Xây dựng ý thức và tăng cường giám sát
Tình trạng tham nhũng vặt tràn lan trong ngõ ngách đời sống xã hội là một nguyên nhân khiến người dân hao mòn niềm tin. Một khi tham nhũng vặt trở thành hiển nhiên, lúc đó các lĩnh vực quản lý sẽ bị điều khiển bởi phong bì.
Để hạn chế và ngăn ngừa nạn tham nhũng vặt, trước hết phải tiến hành nghiêm chỉnh việc giáo dục và thực hành đạo đức trong toàn xã hội, từ gia đình, nhà trường đến các công sở, tổ chức kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, tập đoàn; phải xem môn đạo đức là môn học quan trọng. Bên cạnh đó, tất cả công chức, viên chức, người lao động bắt buộc phải được tập huấn khóa học đạo đức công vụ ngay khi nhận nhiệm sở.
Qua đó, mọi người có ý thức về trách nhiệm, có lương tâm nghề nghiệp, biết trọng danh dự, không làm điều xấu, phạm pháp, mất nhân cách. Phải xác định tham nhũng vặt không phải là chuyện vặt, cần quyết liệt ngăn chặn bằng sự đấu tranh kiên trì, giải pháp đồng bộ, có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nên tạo điều kiện, phát huy vai trò giám sát của nhân dân để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng vặt.
NGUYỄN TRƯƠNG (quận Bình Tân, TPHCM)
Chấn chỉnh từ cơ sở
Để chống nạn tham nhũng vặt, cần phải kiên quyết làm và khi phát hiện thì phải xử lý đủ tính răn đe. Đặc biệt ở các lĩnh vực hành chính tiếp xúc thường xuyên với người dân, rất cần những quy định cụ thể, chặt chẽ để cán bộ phải có thái độ hòa nhã lắng nghe dân, giải quyết vụ việc thỏa đáng và không thể vòi vĩnh, tiêu cực.
Thực tế, các khâu quản lý và quy định pháp luật còn nhiều “lỗ hổng”, nên người thừa hành công vụ có thể hoạnh họe người dân. Chúng ta đã nghe than rất nhiều chuyện tham nhũng vặt ở một số cảnh sát giao thông, cán bộ cấp phép xây dựng, cán bộ thuế, hải quan…, cố ý làm khó để vòi tiền, nhũng nhiễu.
Điều đáng buồn là trong xã hội dần có tâm lý xem chuyện tham nhũng vặt là chuyện thường ngày, nhiều người có thói quen lót tiền cho cán bộ để giải quyết vụ việc. Với việc được cán bộ công chức tận tình phục vụ, giúp mình hoàn chỉnh thủ tục, người dân có nhã ý tặng cán bộ tiền hay quà, từ đó vô tình dung dưỡng nạn tham nhũng vặt. Do vậy, cần có quy định cán bộ chỉ được phép nhận tiền, quà ở mức trị giá bao nhiêu.
Một người bạn tôi ở Canada cho biết, quốc gia này quy định, quà tặng cán bộ công chức chỉ khoảng 50 đô la Canada và phải rõ ràng nhãn mác. Nếu sau này người nhận bị tố cáo với những sai phạm không thể chối cãi, không ai có thể can thiệp.
HOÀNG PHƯƠNG (quận 3, TPHCM)
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến
Chính các loại thủ tục hành chính rườm rà, bất hợp lý đang là kẽ hở cho những cán bộ biến chất lợi dụng để vòi vĩnh, đòi “chung chi”. Việc này gây bức xúc trong dư luận, xói mòn lòng tin của dân. Tham nhũng vặt tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Còn tồn tại tình trạng này là do việc kiểm tra, giám sát trong bộ máy nhà nước vẫn chưa thực sự mạnh. Quy định chế tài xử lý vi phạm chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ, còn khá nhiều sơ hở, nên khó quy trách nhiệm và xử phạt khi sai phạm xảy ra.
Để đấu tranh phòng chống nạn tham nhũng vặt, trước hết người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và cán bộ trong hệ thống chính trị phải làm gương. Phải xử lý nghiêm, kịp thời, không bao che, dung túng, xem nhẹ hành vi tham nhũng vặt. Cần quan tâm nhiều đến công tác bổ nhiệm cán bộ, cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ. Việc kê khai, kiểm tra tài sản, thu nhập của cán bộ công chức phải làm kỹ, tránh kê khai hình thức. Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định liên quan để quản lý cán bộ công chức cần chặt chẽ hơn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin để có thể quản lý việc tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Nên tạo điều kiện cho dân giám sát, và lấy ý kiến đánh giá sự hài hòng của người dân khi tiếp xúc giải quyết công việc.
NGUYỄN QUỐC VIỆT (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM)