Văn bản dưới luật quy định rào cản
Ngày 25-5, thảo luận tại tổ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hoàng nhìn nhận, sức chống chịu của nền kinh tế và khả năng phát triển của nền kinh tế thiếu tính bền vững. Nhiều cơ chế, chính sách đã áp dụng quá lâu và không cập nhật, đổi mới để phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hoàng. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đồng tình, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, bộ máy hành chính các cấp hiện nay vẫn còn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là cấp trung gian của trung ương và địa phương cũng là nguyên nhân dẫn đến nội lực của nền kinh tế bị suy giảm.
Trao đổi thêm, Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu nhìn nhận, nền kinh tế tăng trưởng chậm có một phần do quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QUANG PHÚC |
Phân tích sâu vấn đề thể chế, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (TPHCM) đánh giá, luật có nhiều nhưng có luật rơi vào tình trạng luật khung, luật ống trong khi nghị định, thông tư hướng dẫn lại không rõ ràng.
Mặt khác, còn có những văn bản dưới luật quy định những ràng buộc còn "to" hơn cả luật gây cản trở và chi phí hành chính quá lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Cho nên các cấp, các ngành trong từng lĩnh vực không biết đâu mà làm, sợ làm không đúng, làm sai sẽ bị xử lý.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức dẫn chứng câu chuyện, hiện nay có đến 85 doanh nghiệp điện gió và mặt trời, năng lượng tái tạo sản xuất ra điện nhưng không bán được cũng vì giá cả, trong khi ngành điện đang lo thiếu điện trong đợt nắng nóng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức. Ảnh: QUANG PHÚC |
“Chúng ta sợ giá điện cao hay sợ không có điện sử dụng? Trong điều kiện nắng nóng gắt thì người dân mong mỏi có điện sử dụng còn giá điện có cao cũng chấp nhận. Các doanh nghiệp cũng chấp nhận “cuộc chơi” này một cách sòng phẳng, mua giá điện để duy trì sản xuất còn hơn mà mất điện ngừng sản xuất”, đại biểu bức xúc và nói thêm, trong các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng có những quy định “trên trời”, doanh nghiệp khó thực hiện được.
Cần rà soát tất cả các luật
Để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trở lại và đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần phải thu hút được các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư ở nước ngoài.
Song song đó, cần nghiên cứu, có giải pháp đánh giá tác động khi đánh thuế tối thiểu toàn cầu. Một góp ý khác, Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu đề nghị cần “hà hơi tiếp sức” về nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu. Ảnh: QUANG PHÚC |
Bên cạnh đó, giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế, Đại biểu Nguyễn Minh Đức kiến nghị, Thủ tưởng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước rà soát tổng thể tất cả các văn bản từ luật đến nghị định, thông tư và đối chiếu với các văn bản pháp luật liên quan.
Từ đó, xác định vướng chỗ nào, lỗ hổng ở đâu, nút thắt ở đâu cản trở thủ tục hành chính dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển kinh tế, để sửa. Theo đại biểu, khi giải quyết dứt điểm câu chuyện về thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TPHCM) cho rằng sự lãng phí nguồn lực thể hiện ở chỗ sắp xếp nhà đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương đang rất chậm. Tại TPHCM, có những cơ sở nhà đất để trống gây lãng phí, đụng vào không được trong khi địa phương rất cần xây trường, mở lớp cho học sinh.
Đồng tình vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) nhắc lại một số trường hợp "trên nóng dưới lạnh” kéo dài lâu ngày. Trong đó, nhiều năm qua, tình trạng đất công của các bộ, ngành trung ương trên địa bàn TPHCM bỏ trống hoặc sử dụng không đúng mục đích vẫn chưa được sắp xếp lại, dù Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt về việc này.