Khó nhận thấy, nhưng để lại hậu quả hết sức nặng nề, là những tiêu cực, “lợi ích nhóm” ẩn giấu trong xây dựng pháp luật. Bởi lẽ, khả năng tác động của luật pháp có phạm vi rộng lớn và hiệu lực rất cao. Những đối tượng được hưởng lợi sẽ “đàng hoàng thực thi pháp luật” và thu được lợi ích lâu dài suốt thời gian tuổi thọ của đạo luật.
Chính vì thế, đây là vấn đề được xem xét rất kỹ khi bàn về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị Trung ương 5 đã chỉ rõ, chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Không loại trừ những quy định “hớ hênh” ấy đã được cài cắm trong từng khâu hoặc nhiều khâu của quá trình xây dựng pháp luật.
Trong 7 năm, từ năm 2013 đến năm 2020, qua thanh tra đã phát hiện tổng vi phạm về kinh tế trên 80.886 tỷ đồng và trên 94.849ha đất, kiến nghị xử lý hành chính trên 3.700 tập thể, trên 16.200 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 169 vụ, 155 đối tượng…
Thẩm tra xem một dự án luật (dù vô tình hay hữu ý) có làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực hay không, là đòi hỏi thiết thực và cấp bách, song Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại chưa có quy định cụ thể. Theo TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để “trám” được lỗ hổng này, về lâu dài, phải sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong khi đó, việc đọc từng điều, khoản trước Quốc hội để thảo luận, thống nhất từng điều một tại phiên họp toàn thể - cách làm trước đây đã từng được Quốc hội áp dụng và có những ưu điểm nhất định - hẳn là không còn khả thi với một đạo luật lên tới hơn 230 điều như Luật Đất đai (sửa đổi). Chính vì thế, cơ quan thẩm tra cùng các đại biểu Quốc hội phải hết sức tỉnh táo để thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng này.