Loại hình quỹ, doanh nghiệp khác nhau cần biện pháp phòng, chống khác nhau
Xuất phát từ nhận định đáng lưu ý này, Chính phủ đề nghị mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sang cả khu vực ngoài nhà nước.
Trước mắt sẽ tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách Nhà nước, do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (gọi chung là các tổ chức xã hội).
Còn đối với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức xã hội khác, dự thảo Luật chỉ quy định các tổ chức này có trách nhiệm tự ban hành, thực hiện quy định đối với một số nội dung về phòng ngừa tham nhũng.
Đa số ý kiến thành viên cơ quan thẩm tra tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật như trên.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga nhận định, trên thực tế tình hình “tham nhũng khu vực ngoài nhà nước” đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực công. Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu về chống tham nhũng trong khu vực tư; Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực này như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ.
Tuy nhiên, UBTP nhận thấy, cả trong Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật vẫn chưa có khái niệm giải thích rõ thế nào là “tham nhũng khu vực ngoài nhà nước”, do đó nhiều quy định của dự thảo Luật về vấn đề này còn thiếu rõ ràng. Mặc dù dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước, nhưng khái niệm về hành vi tham nhũng trong dự thảo Luật vẫn chỉ giới hạn tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công; cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định trong dự thảo Luật cũng chỉ là cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công, dẫn đến sự không thống nhất trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, khái niệm, phạm vi “thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện” chưa được làm rõ và quy định trong dự thảo Luật, có thể dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng.
“Các loại hình doanh nghiệp và quỹ đầu tư có mô hình tổ chức khác nhau, cần có quy định phân biệt cụ thể việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với mỗi loại hình”, người đứng đầu UBTP nhận định.
Phát hiện tham nhũng, cơ quan kiểm toán sẽ làm gì?
Một nội dung đáng lưu ý khác liên quan đến việc xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán (Điều 74 của dự thảo Luật).
Theo Tờ trình, trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định kiểm tra, thanh tra từ cấp tỉnh trở lên, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng, ra kết luận và khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Trường hợp không đủ điều kiện xác minh, làm rõ, kết luận thì chủ động chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Ý kiến này đề nghị cần xác định trong dự thảo Luật trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong trường hợp các cơ quan này khi tiến hành thanh tra, kiểm toán không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền lại phát hiện ra tội phạm tham nhũng.