Chiều 23-10, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021.
Chính phủ cho rằng, năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN.
Các Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước). Thiệt hại trong các vụ án thụ lý là trên 800 tỷ đồng, 398.643,83 m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, còn tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng; chưa thực sự gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, còn nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật. Còn có trường hợp phóng viên, nhà báo thoái hóa, biến chất “tống tiền”, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cán bộ, công chức...
Năm 2021, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo, tuy nhiên, công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn có những hạn chế. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn có trường hợp chưa bảo đảm; một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch…, dẫn đến phải thu hồi hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi quyết định bổ nhiệm.
Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp.
UBTP cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021, “tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, UBTP cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục. Điển hình là các vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt TPHCM và tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Sơn La, Đắk Lắk, Cần Thơ; vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD-ĐT Thanh Hóa…
Đặc biệt, đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (chính sách của Nhà nước là tiêm vaccine miễn phí cho người dân). Tuy nhiên qua phản ánh trên phương tiện truyền thông cho thấy còn có hiện tượng thu tiền để được tiêm chủng vaccine tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân “trả phí” để được ưu tiên tiêm trước… Tình trạng làm giả giấy nhận diện mã QR để vào “luồng xanh vận tải”; lợi dụng “luồng xanh” để vận chuyển người, hàng hóa trái phép… xảy ra ở một số địa phương. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN vẫn còn...
Từ thực tế đó, UBTP đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan có chức năng PCTN, các cơ quan tư pháp.
Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...