Nhận được tin báo từ người dân, PV Báo SGGP đã men theo quốc lộ Nam Sông Hậu, qua cầu Mỹ Thanh 2 khoảng 1km thì bắt đầu rẽ phải theo tuyến đường xã Vĩnh Hải (thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Đi thêm khoảng 5km, chúng tôi đến ngã tư chùa Bà Len, tiếp tục rẽ phải vào con đường bê tông và đường đất ngoằn ngoèo hơn 2km thì đến địa điểm được chỉ định (thuộc ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải).
Đập vào mắt chúng tôi là một đại công trường, với nhiều thiết bị, máy móc cơ giới, đất đai bị đào bới ngổn ngang để phục vụ cho việc khai thác cát trái phép dưới lòng đất. Đóng vai là những người đi mua đất từ TPHCM đến, chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào khu vực gần công trường.
Ghi nhận tại công trường, các đối tượng khai thác cát trang bị nhiều loại máy bơm công suất lớn, 3 xe cuốc, 2 cần cẩu gắn mũi khoan được đặt trên 2 sà lan sắt, ngoài ra còn có các đường ống nhựa để bơm hút cát. Càng tiến sâu vào trận địa khai thác cát, khung cảnh tan hoang càng được hiện rõ, đất đai bị đào bới tứ tung, chất thành từng dãy mô cao. Theo ước lượng, toàn bộ công trường khai thác cát trái phép dưới lòng đất này có quy mô khoảng 50.000m2.
Một số người dân được hỏi cho biết, nhóm công nhân khai thác cát trái phép trên đã hoạt động khoảng hơn 6 tháng qua. Có thời điểm, số lượng công nhân được huy động tại công trường lên đến từ 30 đến 40 người. Đặc biệt là chúng hoạt động ngang nhiên cả ban ngày và ban đêm, máy móc chạy ầm ầm mà không sợ bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện.
Quá trình đeo bám, PV Báo SGGP đã nắm được quy trình khai thác cát trái phép dưới lòng đất rất tinh vi của các đối tượng. Theo đó, chúng sử dụng các xe cuốc bóc tách đi phần lớp đất mặt như thể đang đào vuông nuôi tôm. Sau đó, chúng sử dụng cần cẩu có gắn mũi khoan và tiến hành khoan sâu xuống lòng đất từ 7m đến 10m. Kế đó, dùng máy bơm công suất lớn hút cát sang một bể lắng, cát từ bể lắng sẽ được bơm lên sà lan để chở đi tiêu thụ. Tại hiện trường, PV phát hiện trữ lượng cát vẫn còn đầy trong bể lắng rộng gần 1.000m2, ước tính khoảng 5.000-7.000m3 cát vẫn chưa mang đi tiêu thụ.
Qua tìm hiểu, phần diện tích đất bị đào bới để khai thác cát trái phép trước đây là những rặng dừa nước, thuộc khu vực đất giồng ven biển Vĩnh Châu nên chứa rất nhiều cát trầm tích. Biết được điều này, các đối tượng đã mua lại của người dân và tiến hành khai thác cát trái phép dưới lòng đất với quy mô lớn. Ngoài ra, hiện nay nguồn cát phục vụ cho san lấp các công trình đang thiếu nguồn cung và rất khan hiếm. Do đó, giá cát san lấp hiện đang được đẩy lên cao khoảng 200.000 đồng/m3, càng khiến các đối tượng khai thác cát trái phép không từ thủ đoạn, phương thức nào để thu lợi bất chính.
Được biết, người cầm đầu nhóm công nhân khai thác cát trái phép trên tên Nguyễn Ngọc Tâm, khoảng 45 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh. Báo SGGP sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc.
PGS-TS LÊ ANH TUẤN, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ: Khai thác cát dưới lòng đất sẽ dẫn đến suy kiệt nguồn nước ngầm Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, hoạt động khai thác cát dưới lòng đất, đặc biệt là khu vực ven biển sẽ dẫn đến suy kiệt nguồn nước ngầm. Lý do, cát ở vùng ven biển này có vai trò quan trọng để giữ lại nước mưa, nhưng khi khai thác hết lượng cát thì nước ngầm sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt. Ngoài ra, quá trình khai thác cát này sẽ tạo nên những hố sâu, từ đó các chất ô nhiễm từ sinh hoạt hoặc dư lượng phân thuốc hóa học từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng… sẽ dễ dàng ngấm xuống và gây ảnh hưởng nguồn nước ngầm. Đặc biệt, hoạt động khai thác cát dưới lòng đất sẽ dẫn đến tình trạng sụp lún đất, vì một khi cát bị hút đi sẽ làm rỗng phần kết cấu đất bên trong. Ngoài ra, khai thác cát dưới lòng đất có khả năng sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên vùng đất này. |