Thăm nhà máy Samsung Trung Quốc: Kỳ vọng về sức hút Việt Nam

Trong chuyến đi công tác tại Trung Quốc mới đây, đoàn nhà báo Việt Nam đã có dịp ghé thăm Công ty TNHH Công nghệ Viễn thông Samsung Thiên Tân (Trung Quốc).
Thăm nhà máy Samsung Trung Quốc: Kỳ vọng về sức hút Việt Nam

Trong chuyến đi công tác tại Trung Quốc mới đây, đoàn nhà báo Việt Nam đã có dịp ghé thăm Công ty TNHH Công nghệ Viễn thông Samsung Thiên Tân (Trung Quốc).

Và tại đây, sau khi đi tham quan các nhà máy sản xuất của Samsung, chúng tôi - những thành viên trong đoàn đều kỳ vọng rất nhiều về sự phát triển, lớn mạnh của nhà máy Samsung tại Việt Nam, kỳ vọng vào sức hút đầu tư của Việt Nam, cũng như sự lựa chọn sáng suốt của Tập đoàn Samsung đối với Việt Nam - điểm đầu tư đang được đánh giá là hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á…

Samsung Trung Quốc: tăng trưởng đã ở mức tối đa

Được thành lập tháng 7-2001 bởi Công ty Điện tử Samsung Hàn Quốc và Tập Đoàn Điện tử - Công nghiệp Thiên Tân có vốn đầu tư ban đầu 29 triệu USD, trong đó có 10,8 triệu USD là vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2003, doanh thu của công ty vượt mức 7 tỷ nhân dân tệ. Với tốc độ phát triển nhanh chóng, công ty đã đạt vị thế cơ sở sản xuất điện thoại toàn cầu của Samsung sau hai năm hoạt động.

Quản đốc phân xưởng Nhà máy Điện thoại SamSung Bắc Ninh đang giới thiệu cho tập đoàn nhà báo đến tham quan sản phẩm mới do chính nhà máy sản xuất. Ảnh: N.T.T

Quản đốc phân xưởng Nhà máy Điện thoại SamSung Bắc Ninh đang giới thiệu cho tập đoàn nhà báo đến tham quan sản phẩm mới do chính nhà máy sản xuất. Ảnh: N.T.T

Năm 2004, năng suất của công ty đạt mức 240 nghìn sản phẩm/ năm. Năm 2006, với đợt tăng vốn đầu tư lần thứ nhất, trị giá 168 triệu USD - trong đó có 59,4 triệu USD là vốn đầu tư nước ngoài, công ty đã tăng năng suất lên 3,5 triệu sản phẩm/tháng (xấp xỉ 42 triệu sản phẩm/năm). Doanh thu của công ty sau đợt tăng vốn lần thứ nhất đạt mức 4,6 tỷ USD. Đợt tăng vốn đầu tư lần thứ hai, trị giá 800 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 120 triệu USD) năm 2007 nhằm tăng năng suất của công ty từ 42 triệu sản phẩm/ năm lên 80 triệu sản phẩm/năm vào năm 2010.

Hai lần tăng vốn đầu tư của công ty đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của công ty mẹ Samsung Electronics tại Hàn Quốc. Tổng hành dinh của Công ty Điện tử Samsung tại Hàn Quốc quyết tâm xây dựng và phát triển Công ty Công nghệ Viễn thông Samsung Thiên Tân thành cơ sở sản xuất điện thoại di động và trung tâm nghiên cứu & phát triển lớn nhất của Samsung tại Trung Quốc.

Nằm trong Khu phát triển Kinh tế & Công nghệ Thiên Tân (Tianjin Economic-Technological Development Area, TEDA), Công ty Công nghệ Viễn thông Samsung Thiên Tân với tổng diện tích 65 nghìn mét vuông hiện cũng là cơ sở sản xuất, nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Samsung tại nước ngoài (bên ngoài Hàn Quốc). Và sự phát triển của Công ty Công nghệ Viễn thông Samsung Thiên Tân cùng với 11 nhà máy khác của Samsung ở Trung Quốc hiện đã được xem là đạt mức tăng trưởng tối đa.

Chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam

Có thể nói, sau khi các nhà máy ở Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ, tối đa như đã nêu trên, Samsung bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam thông qua việc Samsung Electronics Co. đang gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam - một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Chi nhánh địa phương của hãng, Samsung Vina Electronics Co., còn gọi là SAVINA, trong vài năm qua đã đạt được thành tựu tăng trưởng 15-30%/năm. Lợi nhuận của hãng ở khu vực Đông Nam Á đã đạt mức 10 tỷ USD năm 2006, tăng từ con số 8,7 tỷ USD năm 2005. Samsung đặt ra mục tiêu đưa số lợi nhuận này lên thành 11,7 tỷ USD trong năm nay và 20 tỷ USD vào năm 2010.

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm của Samsung đang tăng mạnh ở các khu vực đông dân như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. “Không nước nào có thể bắt kịp Việt Nam trong 20 năm tới. Đây là quốc gia vượt trội trong năng suất lao động. Trung bình người Việt Nam làm việc khoảng 48 tiếng/tuần kể cả thứ bảy và chỉ có 8 kỳ nghỉ trong một năm. Khoảng 54% lực lượng lao động dưới độ tuổi 30”, Yom Sang-youl, Tổng Giám đốc Samsung Vina Electronics nói.

Chính vì có những nhận định sáng suốt về thị trường Việt Nam nên Samsung đang gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Và “Việt Nam có nhiều tiềm năng về công nghiệp điện tử nói chung cũng như điện thoại di động nói riêng, nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội” Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của Samsung, với quy mô sản xuất thuộc hàng lớn nhất. Nhà máy sản xuất hầu hết các dãy sản phẩm điện thoại di động của Samsung để cung ứng cho thị trường trong nước cũng như toàn cầu, trong đó xuất khẩu chiếm tỷ lệ hơn 90%. Sản lượng của nhà máy khi đạt năng suất thiết kế sẽ là hơn 100 triệu sản phẩm/năm, giải quyết cho khoảng 10.000 lao động địa phương.

Sản phẩm điện thoại di động sản xuất tại Nhà máy SEV chủ yếu xuất khẩu vào những thị trường nào? Những sản phẩm cao cấp có được sản xuất tại đây không, hay chỉ giới hạn ở những dãy sản phẩm cấp thấp? Ngay từ khi bắt đầu đi vào sản xuất, ngoài việc cung ứng cho thị trường trong nước, những sản phẩm điện thoại di động của Samsung từ nhà máy này đã được xuất khẩu đến các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, và sắp tới sẽ vươn đến những thị trường khác như châu Âu, Úc... Sản phẩm của SEV rất đa dạng, bao gồm từ những dãy sản phẩm cấp thấp cho những thị trường mới nổi đến những sản phẩm cấp cao dành cho thị trường của những nước phát triển. Không có giới hạn sản phẩm trong quy mô sản xuất của nhà máy.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Savina, nhà máy điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh thực sự sẽ phải cạnh tranh với chính những nhà máy khác của Samsung trên thế giới, chứ không phải chỉ riêng những nhà máy của Samsung tại Trung Quốc. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ Samsung Vina, dự án đầu tư đầu tiên của Samsung tại Việt Nam, chúng tôi rất tự tin vào những sản phẩm sản xuất từ Việt Nam. Các sản phẩm từ Nhà máy SEV sẽ có tính cạnh tranh cao không những với các đối thủ của mình mà còn với chính các nhà máy khác của Samsung trên thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong tính cạnh tranh là chất lượng sản phẩm, chứ không phải chỉ là giá thành.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đạo, song song với Nhà máy SEV, những nhà cung cấp phụ của Samsung cũng đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm tạo ra một cụm công nghiệp phức hợp, với hạt nhân là nhà máy SEV. Như vậy tính chủ động trong cung ứng vật tư sẽ tăng lên rất nhiều cũng như giá thành giảm xuống nhờ tiết kiệm chi phí vận chuyển, kiểm soát. Mục tiêu của Nhà máy SEV vào năm 2010 sẽ đạt doanh số, trong đó chủ yếu là xuất khẩu, từ 4-5 tỷ USD, đưa Samsung trở thành doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng đầu Việt Nam.

Có thể nói, Việt Nam có nhiều tiềm năng về công nghiệp điện tử nói chung cũng như điện thoại di động nói riêng. “Tuy nhiên, một trong những yếu tố khó khăn cơ bản của nền công nghiệp điện tử tại Việt Nam lại nằm ở chỗ chúng ta thiếu một nền tảng của ngành công nghiệp phụ trợ cơ bản, điều mà chúng ta đã không làm được qua suốt thời kỳ bảo hộ mậu dịch trong nước.  Đây cũng chính là điều các tập đoàn công nghệ điện tử đắn đo khi chọn lựa Việt Nam làm điểm đến của đầu tư. Dù vậy, cùng với sự kiện Việt Nam gia nhập vào WTO, bức tranh phân công toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử đang có chiều hướng thay đổi, như Trung Quốc không còn chỉ là “công xưởng của toàn cầu” nữa, đi theo là những chuyển dịch về đầu tư trong khu vực. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội, là vận hội mới của Việt Nam, và chúng ta cần sẵn sàng để đón bắt nó”- ông Nguyễn Văn Đạo chia sẻ.

S.Nâu

Tin cùng chuyên mục