Sáng 4-1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều thành viên Chính phủ tham dự.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, bộ đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Đặc biệt, trước tác động nghiêm trọng của 2 năm đại dịch Covid-19, năm 2022, bộ đã nhanh chóng, chủ động, bám sát diễn biến tình hình, ngay từ đầu năm đã xây dựng các kịch bản điều hành nền kinh tế, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các quyết sách đó.
Nhờ đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là một trong số ít các quốc gia đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong 12 năm qua.
Bên cạnh đó, bộ đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp…
Để phấn đấu phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua; nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 của ngành, bộ đã đề ra 16 giải pháp cụ thể.
Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khẩn trương ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ; tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp…
Đáng lưu ý, Bộ KH-ĐT dự kiến sẽ tổ chức đánh giá giữa kỳ đối với các nội dung: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; việc thực hiện Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025” tại Quyết định số 2109/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, bộ triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tham mưu xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển các vùng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.