Tận tụy với cộng đồng
Dọc con đường Gia Phú rợp bóng cây dài khoảng 2km, từ bác xe ôm, chú ba gác máy, chị hàng nước, đến những phụ huynh hàng ngày đưa rước con đi học tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, đều không còn lạ với hình ảnh người đàn ông thấp đậm, có nụ cười hồn hậu, bán vé số trước hẻm 89 (phường 1, quận 6, TPHCM) có tên là Lâm Kim Hưng (48 tuổi)
. Đã gần 50 tuổi mà anh vẫn độc thân, cuộc sống khó khăn, nhưng hơn chục năm qua anh vẫn thực hiện “10.000 đồng/ngày bỏ ống heo làm việc thiện”. Đây là số tiền anh trích ra từ tiền lời bán vé số hàng ngày.
Hôm được UBND quận 6 tuyên dương, khen thưởng “Gương người tốt, việc tốt năm 2017” vào cuối tháng 7 vừa qua, anh Hưng không giấu được vẻ bối rối. Trong phần giao lưu, anh Hưng kiệm lời lúc nói về mình nhưng lại sôi nổi khi kể về những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ được anh giúp, đến chuyện khu phố nơi anh là thành viên bảo vệ môi trường.
Nói về việc thiện anh Hưng làm gần đây nhất, chú Sáng - hàng xóm của anh Hưng - kể: “Anh Hưng tới vận động tôi và bà con trong khu phố quyên góp tiền, sữa... để hỗ trợ ông Nguyễn Tấn Hiếu (56 tuổi, ngụ ở khu Xe Lửa, chạy xe ôm, gia cảnh khó khăn lại mắc bệnh nan y) điều trị bệnh.
Bất cứ việc gì cần sự chung sức từ cộng đồng, anh Hưng đều không ngần ngại mà luôn gương mẫu đi đầu. Anh Hưng làm bằng tất cả tấm lòng đồng cảm, sẻ chia, dù bản thân anh Hưng chẳng khá giả và cũng không mong sẽ được ai đó mang ơn. Bù lại, có nhiều người tốt, mạnh thường quân luôn sẵn sàng ủng hộ khi anh Hưng kêu gọi hỗ trợ những mảnh đời cơ nhỡ, khó khăn”.
Làm hết mình
Có lẽ chỉ suy nghĩ “làm việc của mình thôi” nên nhiều người không nghĩ đến có ngày mình được vinh danh. Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn - một giáo viên về hưu - là một trong những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường như vậy. 9 năm qua, cô phụ trách lớp học của các bệnh nhi ung thư, với khoảng 150 em thuộc Khoa Nhi - Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Lớp học dành cho trẻ bị ung thư của cô Phấn được hình thành từ một hoạt động chăm sóc tinh thần cho bệnh nhi trong Chương trình “Ước mơ của Thúy” - một bệnh nhân bị ung thư nhưng lạc quan, yêu đời đến lúc chết.
Cô Phấn cho biết, lớp học diễn ra vào thứ sáu (14 giờ - 16 giờ) và thứ bảy (8 giờ - 9 giờ 30 phút) hàng tuần. Đến với lớp học, các em không chỉ học toán, tiếng Việt mà còn được học hát múa, nhảy... Bệnh tật, đớn đau là thế, nhưng các em rất chăm học.
33 năm làm nghề “trồng người”, cô Đinh Thị Kim Phấn chưa lúc nào vơi nhiệt huyết, bớt yêu nghề. Mặc dù đã trên 60 tuổi nhưng cô chưa bao giờ muốn thôi công việc giảng dạy, bởi với cô, việc được đưa kiến thức đến với các em nhỏ, nhất là những em nhỏ chưa may mắn trong cuộc sống, là tâm nguyện mà cô luôn đau đáu trong lòng.
Ông Vũ Khắc Cẩn, Trưởng ban bảo vệ dân phố phường 21, quận Bình Thạnh, là gương sáng phố phường, điển hình về học tập Bác. 15 năm công tác, ông luôn chủ động, tích cực tham mưu cho UBND, Công an phường trong phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Cụ thể như xây dựng lực lượng bảo vệ dân phố luôn đảm bảo về số lượng, duy trì lực lượng tham gia tuần tra cơ động trên địa bàn toàn phường 24/24 giờ; phối hợp với đoàn thanh niên, dân quân tự vệ phường tổ chức phát loa tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm.
Ngoài ra, vào các giờ cao điểm, không ngại nắng mưa, ông trực tiếp tham gia điều tiết và đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhất là đoạn đường trước Trường Tiểu học Hồng Hà - nơi từng là điểm đen về ách tắc giao thông. Việc làm của ông được thầy trò cũng như các phụ huynh của trường cảm phục, yêu mến.
Trong công tác phòng, chống tội phạm, ông Cẩn luôn là người tiên phong, gương mẫu đi đầu không ngại khó khăn, nguy hiểm, cùng đồng đội phối hợp với Công an phường khám phá nhanh nhiều vụ án. Ông đã tham gia bắt nhiều đối tượng trong các vụ cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật, thu lại tài sản trả cho người bị hại.