Thăm làng Chabrignac (Pháp) -nơi ở những năm cuối đời của Hoàng hậu Nam Phương

Thăm làng Chabrignac (Pháp) -nơi ở những năm cuối đời của Hoàng hậu Nam Phương

Hoàng hậu Nam Phương (1914-1963) là vợ chính thức của ông vua cuối cùng của triều Nguyễn - vua Bảo Đại (1913-1997). Bà nổi tiếng không những vì nhan sắc tuyệt đẹp mà còn vì đức hạnh thuộc loại “mẫu nghi thiên hạ”.

Nhiều sách báo Việt Pháp đã viết về bà và gia đình bà. Tuy nhiên, vào những năm cuối đời bà sống lặng lẽ tại làng Chabrignac thuộc tỉnh Corrèze ở vùng Trung Tây nước Pháp và qua đời ở đó, vì thế những thông tin liên quan đến quãng đời cuối của bà nhiều độc giả Việt Nam chưa rõ. Bài viết này bổ sung phần chưa rõ ấy.

Thăm làng Chabrignac (Pháp) -nơi ở những năm cuối đời của Hoàng hậu Nam Phương ảnh 1
Hoàng hậu Nam Phương.(Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, vua Bảo Đại thoái vị và tạm xa gia đình để ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hoàng hậu Nam Phương tiếp tục sống ở Huế lo nuôi dạy 5 người con, tham gia Tuần lễ Vàng đóng góp vàng bạc gây quỹ cho chính quyền mới.

Bà cũng đã nhân danh Hoàng hậu của ông vua vừa thoái vị gởi thông điệp vận động phụ nữ thế giới tố cáo âm mưu trở lại Việt Nam của thực dân Pháp. Không lâu sau đó cựu hoàng Bảo Đại được cử sang Trung Quốc trong một chuyến công tác ngoại giao, và trở lại cộng tác với Pháp (1949). Hoàng hậu Nam Phương đưa 5 người con sang Pháp.

Năm 1954, Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ phải ký Hiệp định Genève. đất nước tạm thời chia hai. Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý truất phế cựu hoàng Bảo Đại (1955), tịch thu hết tài sản của gia đình bà ở Sài Gòn và cả ở Pháp. Cựu hoàng tức giận đổ bệnh thần kinh, nhiều lần bỏ nhà đi săn dài ngày hoặc đi sống lang thang. Cha con, vợ chồng tan tác, bà đau khổ đến cùng cực.

Năm 1958, bà mua một khu nhà của dân quí tộc cũ ở làng Chabrignac thuộc tỉnh Corrèze, vùng Limousin, cách Paris trên 500km về phía Nam. Khu nhà rất lớn, toàn bằng gỗ và đá, bà cho tân trang lại toàn bộ và lắp đặt đầy đủ các tiện nghi mới. Khu nhà có 32 buồng, 7 phòng tắm, 4 phòng khách… đứng trên một khu sườn đồi rộng 160ha mang tên Trang trại La Perche (Domain De La Perche).

Các con bà làm việc và học hành ở các nơi thỉnh thoảng về thăm bà. Giữa bà và cựu hoàng Bảo Đại lúc này chỉ còn nghĩa chứ đã hết tình. Hơn 5 năm trời bà sống ở Chabrignac, dân làng chỉ thấy cựu hoàng Bảo Đại về thăm bà vài ba lần và lần nào cũng ngắn ngủi. Hằng ngày bà sống với vài ba thị nữ thân thích. Những khi mệt mỏi bà cho gọi anh chàng xoa bóp (kinésithérapeute) nổi tiếng của giới quí tộc Pháp về đấm bóp cho bà.

Ngày 14 tháng 9 năm 1963, vào khoảng 5 giờ chiều, cựu hoàng hậu Nam Phương cảm thấy mệt bèn cho người nhà đi mời bác sĩ đến thăm mạch. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ cho biết bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài hôm là khỏi ngay. Nhưng không ngờ, bác sĩ vừa rời khỏi nhà chừng vài tiếng đồng hồ thì bà cảm thấy khó thở.

Bác sĩ thứ hai chưa đến kịp thì bà đã tắt thở. Bà vĩnh biệt cuộc đời khi mới 49 tuổi (1914-1963). Các con bà đều làm việc và học hành ở Paris, ngoài hai người giúp việc trong nhà, trong giờ phút lâm chung, không có một người thân nào có mặt bên cạnh bà cả. Không ai ngờ một bà hoàng hậu đẹp đẽ, giàu sang, quí phái mà lúc ra đi cô đơn đến thế!

Đám tang của cựu Hoàng hậu Việt Nam lưu vong được tổ chức ở nhà thờ Chabrignac có mặt đầy đủ dân làng mến mộ bà. Hôm đưa đám, 5 người con của bà là Hoàng thái tử Bảo Long, Hoàng tử Bảo Thăng, Công chúa Phương Mai, Công chúa Phương Liên, Công chúa Phương Dung đều có mặt đi bên cạnh quan tài của mẹ. Cựu hoàng Bảo Đại không rõ vì sao không về. Và, sau đó cũng chẳng bao giờ thấy ông về thăm lăng mộ của bà.

Nơi an nghỉ cuối cùng của Hoàng hậu Nam Phương nằm ngay trong khu mộ thuộc gia đình Bá tước De La Besse. Vì thế hôm đưa tang bà đến đây, người chủ đất là bà Bá tước De La Besse đến thăm. Bà Bá tước ấy chính là Công chúa Như Lý - con gái vua Hàm Nghi (dân Pháp thường gọi bà là Công chúa An Nam - Princesse d’Annam). Về thế thứ, Công chúa Như Lý là em con chú của vua Khải Định, ngang hàng cô của Bảo Đại/Nam Phương.

Ngôi lăng mộ của Nam Phương rất đơn sơ, trên mộ dựng một tấm bia nhỏ quen thuộc của người bình dân Việt Nam, hai mặt bia khắc hai hàng chữ Hán và chữ Pháp.

Mặt trước bia khắc dòng chữ Hán.
Phiên âm: Đại Nam Nam Phương Hoàng Hậu Chi Lăng

Mặt sau bia khắc chữ Pháp: Ici repose L’impératrice d’Annam née Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan (Dịch nghĩa: Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam nhũ danh Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan).

Dân làng Chabrignac tự hào xem lăng mộ Hoàng hậu Nam Phương là một trong ba di sản quí giá của Chabrignac. Hai di sản kia là một lâu đài xây dựng từ thế kỷ XV và ngôi nhà thờ có từ thế kỷ XVI.

***
Làng Chabrignac hẻo lánh, đường ô tô dẫn đến làng đồi dốc quanh co, ít người ngoại quốc đặt chân đến đây. Người Việt Nam càng hiếm. Nhiều Việt kiều ở Pháp, trong đó có người cùng họ với Hoàng hậu Nam Phương cũng chưa một lần đến viếng lăng mộ bà. Nhưng bà nằm đó không đến nỗi cô đơn lắm.

Gần lăng mộ bà có lâu đài De La Nauche của Công chúa Như Lý (1908-2005) và xế về phía Nam một chút ở biên giới tỉnh Dordogne có khu lăng mộ gia đình vua Hàm Nghi, gồm có vua Hàm Nghi, bà hoàng La Loe (vợ vua Hàm Nghi), Công chúa Như Mai và Hoàng tử Minh Đức. Hy vọng một ngày gần đây, ngành du lịch Việt Nam sẽ có một tour tham quan Chabrignac/Dordogne, nếu còn sức khỏe tôi sẽ xung phong làm hướng dẫn viên.

Và, biết đâu vào một ngày đẹp trời sẽ có một mạnh thường quân Pháp - Việt nào đó đứng ra xin đưa hài cốt các ông hoàng, bà chúa lưu đày-lưu vong về Việt Nam.

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Tin cùng chuyên mục