Đối mặt án tử hình
Theo tuyên bố của Văn phòng Luật sư quận Tây bang Pennsylvania, trong số 29 tội danh có 11 tội cản trở việc thực hiện niềm tin tôn giáo dẫn đến chết người và 11 tội danh sử dụng súng ngắn để giết người trong một vụ bạo lực.
Toàn bộ các tội danh bạo lực đều dựa trên luật dân sự liên bang cấm các tội ác thù hằn, với mức án cao nhất có thể là tử hình. Thủ phạm Robert Bowers đã đầu hàng và bị bắt giữ sau khi nổ súng vào cảnh sát. Trước khi vụ việc xảy ra, đối tượng này đã có nhiều bài viết đăng trên mạng xã hội chống lại người Do Thái. Thủ phạm còn lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã không làm gì để ngăn chặn việc người Do Thái “phá hoại” nước Mỹ.
Theo đặc vụ Bob Jones từ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), thủ phạm chưa từng bị cơ quan thực thi pháp luật để ý trước khi vụ việc xảy ra. FBI cho rằng Robert Bowers hoạt động một mình. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, vụ nổ súng nói trên dường như là một tội ác chống lại người Do Thái. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định, vụ nổ súng tại Pittsburgh là hành động tấn công nhằm vào tự do tôn giáo của nước Mỹ. Để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu toàn bộ trụ sở cơ quan công quyền như Nhà Trắng, cơ sở quân sự, căn cứ hải quân và các tàu treo cờ rủ đến hết ngày 31-10.
Theo Washington Post, thống kê từ Liên đoàn Chống phỉ báng cho thấy, trong năm 2017, số vụ việc liên quan đến hoạt động bài Do thái đã tăng hơn 57% so với năm trước, chủ yếu diễn ra tại các trường học với hình thức đe dọa bằng bom thư, tấn công và vẽ tranh phỉ báng tôn giáo. Nhiều người Mỹ tin rằng trong 2 năm gần đây, làn sóng phân biệt chủng tộc, nhóm cực đoan và ủng hộ phát xít mới đã liên tục gia tăng tại Mỹ khi Tổng thống Donald Trump vẫn chưa giải quyết được bất bình đẳng xã hội và mâu thuẫn sắc tộc vẫn đang len lỏi trong mọi mặt của đời sống xã hội Mỹ.
Chưa có cách giải quyết dứt điểm
Hàng loạt vụ xả súng chết người xảy ra tại Mỹ trong những năm gần đây làm dấy lên làn sóng phẫn nộ, phản đối sử dụng súng và kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua luật kiểm soát súng đạn.
Tuy nhiên, khả năng này khó trở thành hiện thực, nếu như cách phản ứng của người dân đối với vụ việc Pittsburgh cũng giống như các vụ xả súng khác trong quá khứ, ví dụ như vụ xả súng ở Las Vegas năm 2017 làm 58 người chết. Cứ sau mỗi vụ xả súng, các cuộc biểu tình, tranh luận về súng cũng như bạo lực súng đạn lại nổ ra trên toàn nước Mỹ, thậm chí một vài dự luật về vấn đề này cũng được đưa ra.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tất cả dường như lại bị chìm xuống. Do đó, dù Mỹ là quốc gia có mức độ bạo lực súng đạn cao hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào, cho tới thời điểm này, Quốc hội Mỹ vẫn chưa triển khai được hành động đáng kể nào nhằm ngăn chặn những thảm kịch thảm khốc tương tự có khả năng xảy ra trong tương lai.
Chia sẻ trước sự mất mát của người dân TP Pittsburgh, lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đồng loạt lên án vụ tấn công đẫm máu trên. Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ hành động trên và khẳng định chủ nghĩa bài Do thái là một mối đe dọa đối với các giá trị dân chủ và hòa bình. |