Nguy cơ mất 20 tỷ USD/năm
Trong báo cáo công bố ngày 18-3, FAO cho biết các sự kiện cực đoan thường niên đã tăng gấp 3 lần từ năm 1970 và tác động của chúng đến kinh tế ngày càng gia tăng. FAO khẳng định, chưa khi nào trong lịch sử các hệ thống nông - lương phải đối mặt với nhiều mối đe dọa mới và lần đầu xuất hiện như hiện nay, bao gồm những vụ cháy lớn, thời tiết cực đoan, những đàn châu chấu sa mạc khổng lồ và các mối đe dọa sinh thái mới. Báo cáo của FAO cũng nhấn mạnh những mối nguy hiểm nói trên không chỉ cướp đi sinh mạng con người mà còn phá hoại ngành nông nghiệp và gây ra những hậu quả tiêu cực về kinh tế có thể kéo dài nhiều thế hệ.
Báo cáo của FAO gọi tình trạng trên là sự “bình thường mới”, đồng thời cho biết từ năm 2000 các thảm họa đã tăng mạnh về tần suất và tiếp tục xảy ra với tỷ lệ cao liên tục. Hậu quả, tại các nước nghèo và đang phát triển, sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2008-2018 bị thiệt hại 108,5 tỷ USD. Người phụ trách về tình trạng khẩn cấp và phục hồi của FAO, Dominique Burgeon, kêu gọi cộng đồng quốc tế đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp phòng tránh thiên tai, khi hơn 2 tỷ người trên thế giới đang sống bằng nghề nông. Dự kiến, LHQ sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về các hệ thống lương thực vào tháng 9 tới nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Cơ hội thay đổi
Tổ chức Christian Aid cho biết, năm 2020 xảy 15 thảm họa khí hậu, gây thiệt hại ít nhất 5 tỷ USD. 6 trong số 10 vụ thảm họa gây thiệt hại nhiều nhất xảy ra ở châu Á. Sự bùng phát các thảm họa có liên quan đến độ ẩm do những trận mưa bất thường. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tại hội nghị thượng đỉnh về thích ứng biến đổi khí hậu ở Hà Lan, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, giải pháp hiện nay là các nước phải đoàn kết và hành động một cách nhanh chóng, quyết đoán và mạnh mẽ hơn.
Theo tiến sĩ Andrew King, giảng viên Khoa học khí hậu tại Đại học Melbourne, Australia, thời tiết ngày càng cực đoan không chỉ do điều kiện khí hậu thay đổi mà còn do việc sử dụng đất ở nhiều nơi chưa hợp lý và nạn phá rừng liên tục diễn ra… Do đó, nếu con người có ý thức tốt, hành động tốt, có giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả, hoàn toàn có thể ngăn chặn các thảm họa khí hậu xảy ra.
Ngày 19-3, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) cho biết sẽ cấp 20 triệu USD cho một quỹ phát triển bền vững ở vùng Amazon. Theo Chủ tịch IDB Mauricio Claver-Carone, thể chế tài chính này đặt mục tiêu tạo ra vùng kinh tế xanh với những mô hình phát triển nông nghiệp và chăn nuôi mang tính bao trùm, bền vững với tổng nguồn tài trợ lên tới 1 tỷ USD.
63 nước trong bảng xếp hạng tín nhiệm của các hãng S&P Global, Moody’s và Fitch sẽ bị hạ 1,02 bậc vào năm 2030 do các vấn đề gây ra bởi biến đổi khí hậu. Hầu như tất cả các quốc gia, dù giàu hay nghèo, vùng ôn đới hay nhiệt đới cũng đều bị tụt hạng nếu duy trì mức phát thải CO2 như hiện nay. |