Do đó, tập trung phát triển lực lượng sản xuất trong các hợp tác xã (HTX) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể là điều tất yếu.
Thu hút việc làm nông thôn
Từ khi Luật HTX năm 2012 ra đời, trong thời gian qua đã giúp cho các HTX mới thành lập, hoạt động trên lĩnh vực phi nông nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước như đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, hỗ trợ đối với thành viên có trình độ, tay nghề… giúp các HTX mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Với “thâm niên” 2 năm, vườn lan Ngọc Điểm (quận 12) đã có 13.000 cây lan Ngọc Điểm và 1.000 cây gieo hạt.
Ông Nguyễn Văn Trung, chủ vườn lan Ngọc Điểm, cho biết: “Lan Ngọc Điểm là loài lan khó trồng, đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật điều tiết độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng và nước tưới phù hợp. Thời gian đầu là thời gian chăm sóc cây lan khó nhất vì cây chưa ra rễ nhiều và chưa thuần với điều kiện thời tiết. Sau 2 năm, lan Ngọc Điểm sẽ phát triển tốt. Lan Ngọc Điểm trồng càng lâu cây càng to rất có giá trị về kinh tế. Nhờ vậy, vườn lan đã giải quyết lao động cho người dân tại địa phương. Tuy nhiên, vườn lan đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm”.
Theo HTX Xuân Lộc (quận 12), làng nghề Cá sấu Sài Gòn có tiền thân là Làng Cá sấu Hoa Cà (quận Thủ Đức), đến năm 2003 do không còn quỹ đất nên đã dời về quận 12 thuộc HTX Xuân Lộc. Với mô hình hoạt động khép kín từ khâu chăn nuôi đến sản xuất, làng nghề Cá sấu Sài Gòn hiện có khu chăn nuôi, phòng khám bệnh xương - khớp Diamond Bone, trường đào tạo nghệ nhân, nhà hàng, phòng trưng bày. Đặc biệt, làng nghề còn có một nơi đặc biệt là nhà trẻ Kim Cương - hỗ trợ, nuôi dưỡng, điều trị cho các bé bị bệnh xương thủy tinh bằng phương pháp y tế và cao của cá sấu.
Từ sau khi thực hiện Luật HTX năm 2012, theo UBND quận Thủ Đức, đến cuối năm 2016 còn lại 22 tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực trồng hoa kiểng, trồng rau, chăn nuôi. Năm 2018 đã phát triển thêm 4 tổ hợp tác, nâng số tổ hợp tác hoạt động là 26 tổ với 183 tổ viên và được chia theo ngành nghề như sau: 13 tổ hợp tác trồng trọt với 103 tổ viên, 8 tổ hợp tác chăn nuôi với 50 tổ viên, 1 tổ mua bán pallet với 5 tổ viên, 2 tổ hợp tác gia công với 15 tổ viên và 2 tổ tiểu thủ công nghiệp với 10 tổ viên.
Chưa định hình được phương án kinh doanh
Từ năm 2017 đến nay, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Thủ Đức được giao quản lý và cho thuê mặt bằng đất công trên địa bàn với giá dịch vụ theo vị trí của từng khu đất, hiện có 5 HTX thuê đất của nhà nước. Các HTX còn lại đều phải hoạt động trong điều kiện đi thuê văn phòng làm việc, cửa hàng, nhà xưởng phục vụ cho kinh doanh.
Hiện nay, triển khai Luật HTX 2012 còn chậm, chưa sát với thực tế đối với lĩnh vực kinh tế tập thể như: chính sách đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành HTX trong nền kinh tế thị trường nên còn lúng túng trong việc xác định phương hướng sản xuất, kinh doanh và các giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ, thiếu năng động, sáng tạo trong việc mở rộng ngành nghề, dịch vụ đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với cơ chế thị trường.
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cho những năm tới, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết: “Theo Luật HTX năm 2012 có quy định HTX nông nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi về giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX nhưng theo Luật Đất đai không có quy định chính sách hỗ trợ, ưu đãi về giao đất cho HTX. Do vậy, giữa Luật HTX năm 2012 và Luật Đất đai đang có bất cập về chính sách giao đất”.
Nhận định về Làng nghề Cá sấu Sài Gòn và Vườn lan Ngọc Điểm, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Triệu Lệ Khánh, xác định, với những mô hình tập thể của vườn lan, làng nghề cá sấu góp phần giải quyết công việc tại địa phương, góp phần tạo an sinh xã hội. Đó cũng là vấn đề mà TPHCM quan tâm trong việc xây dựng HTX nông nghiệp. Từ sau khi Luật HTX năm 2012 đi vào đời sống đã giúp vận động người dân tham gia, tạo điều kiện hỗ trợ cùng nhau phát triển. Nếu tham gia HTX, tổ hợp tác sẽ phát huy sản xuất, mang lại lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các HTX đã thành công cũng cần nhân rộng, chia sẻ mô hình để phát triển kinh tế tập thể. Tại các địa phương, hệ thống Mặt trận cần tăng cường tuyên truyền thêm các chủ trương chính sách để người dân tham gia. Trong thời gian tới, UBMTTQ TPHCM sẽ phối hợp với Liên minh HTX TPHCM nghiên cứu đề xuất Thành ủy, UBND TPHCM có chính sách hỗ trợ quan tâm đầu ra cho sản phẩm.