Tuy qua 2 năm triển khai, số người tham gia BHYT hộ gia đình trên địa bàn TPHCM có chiều hướng tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm và hiện nay vẫn còn là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong các đối tượng chưa tham gia BHYT.
Hiểu chưa nhiều về giá trị tấm thẻ
Nhiều tháng nay, ông Trần Văn Hiệp (55 tuổi, ngụ tại quận 8) xem Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM là nhà vì căn bệnh ung thư phổi. Cuối tháng 7-2016, khi được chẩn đoán bệnh, ông được các bác sĩ yêu cầu ở lại BV để chữa trị kịp thời. Nỗi lo về căn bệnh hiểm nghèo cộng với những khoản viện phí sắp phải trả khi điều trị dài hạn khiến ông suy sụp. “Nghe bác sĩ nói bệnh tình, tôi rất hoang mang. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, số tài sản ít ỏi trong nhà lần lượt “ra đi” sau những lần đóng viện phí. Bây giờ nợ nần cũng đã chồng chất, nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi chỉ muốn chết đi cho xong. Giá như có BHYT cũng đỡ phần nào”, ông Hiệp cho biết. Trước đây, ông được người con trai út đóng BHYT đều đặn, tuy nhiên nhiều năm nay, thấy sức khỏe bản thân đã tốt, ông Hiệp dừng tham gia. “Tôi thấy nhiều người chỉ đóng khi hay đau ốm, lâu nay vẫn thấy mình khỏe mạnh, nghĩ không bệnh tật gì nên tôi bỏ. Ai ngờ… căn bệnh của tôi khi phát hiện đã khá nặng, phải điều trị bằng những loại thuốc đắt tiền, khó khăn lại chồng chất”, ông Hiệp nói trong nước mắt.
Cùng cảnh ngộ bệnh tật với ông Hiệp, ông Trần Văn On (60 tuổi, huyện Hóc Môn) chia sẻ, mặc dù đau ốm nhưng vẫn còn may mắn vì khoản tiền phải chi trả từ khi nhập viện điều trị đến nay không cao như dự tính vì có BHYT. “Năm ngoái, con gái khuyên mua bảo hiểm cho cả nhà. Lúc đó nghĩ già rồi, hay đau ốm nên tôi mới tham gia. Cách đây hơn một tháng, tôi đi khám và phát hiện có khối u ở phổi nên phải nhập viện điều trị. Quá trình nằm viện tôi chỉ tốn kém chút ít, các khoản ăn uống, đi lại... không đáng là bao”, ông On chia sẻ.
Qua tìm hiểu của phóng viên, một số người dân vẫn còn mang nặng tư tưởng “có bệnh mới mua bảo hiểm” như ông Hiệp, ông On. Họ cho rằng, khỏe mạnh thì không nên mua bảo hiểm vì tốn tiền. Nhưng hầu hết đều nhận thức chưa đúng hoặc hiểu sai về giá trị tấm thẻ. Lúc cần đến thì đã quá muộn, nhất là trong bối cảnh các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP đã áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 02 của Bộ Y tế.
Quá nhiều rào cản
Mặc dù Luật BHYT sửa đổi từ năm 2015, bổ sung một số điều quy định bắt buộc toàn dân tham gia BHYT, trong đó bắt buộc người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình nhằm mục đích “phủ sóng” số người còn thờ ơ với BHYT. Quy định mới này nhằm khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác… Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng sau hơn 2 năm triển khai, số người tham gia BHYT hộ gia đình mới chỉ đạt gần 24%, nguyên nhân do phần lớn người dân chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHYT cũng như trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội, dẫn đến chưa tích cực tham gia.
Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình còn gặp khó khăn về kinh tế, thu nhập không ổn định, không đủ đóng một lúc cho tất cả thành viên trong hộ gia đình. Một bộ phận người dân có thu nhập khá nhưng không muốn tham gia BHYT, khi có nhu cầu thì đi khám chữa bệnh dịch vụ. Bà Thu cho rằng, “luật bắt buộc nhưng lại không có chế tài xử lý những người không tham gia nên chúng tôi cũng khó. Trong khi đó, người dân thì vẫn giữ tâm lý có bệnh mới mua BHYT”. Mặt khác, tỷ lệ người tham gia BHYT hộ gia đình chưa cao là do hệ thống đại lý thu hoạt động chưa tích cực. Một số đại lý còn thụ động chờ người dân đến đăng ký mà chưa chủ động tiếp cận người dân để tuyên truyền, vận động.
Nhằm đẩy mạnh bao phủ BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2020 mọi người đều có thẻ BHYT, trong đó người tham gia BHYT theo hộ gia đình tối thiểu đạt được khoảng 70%. Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, cần đẩy mạnh công tác phổ biến về những lợi ích của BHYT, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao công tác khám chữa bệnh… để người dân tham gia tiếp cận với dịch vụ BHYT. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ những đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình như: đối tượng 70 tuổi trở lên, gia đình cận nghèo, đảm bảo 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo được tham gia BHYT. “Với các giải pháp từ địa phương, từ cơ quan BHXH và nhận thức của người dân, trong thời gian tới tỷ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng sẽ được nâng lên”, ông Phúc kỳ vọng.
Theo quy định điều chỉnh mức lương cơ sở mới từ 1-7-2017, mức tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ tăng thêm 7,3%. Cụ thể, quy định tại điểm G khoản 1 Điều 2 của Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT nêu rõ: Người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ đóng phí BHYT theo tháng ở mức 4,5% lương cơ sở. Từ người thứ 2 tới thứ 4, mức phí sẽ lần lượt bằng 70%, 60% và 50% mức tham gia của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi, mức tham gia chỉ còn 40% mức tham gia của người thứ 1. Tuy nhiên, mức đóng BHYT sẽ vẫn giữ nguyên cho đến năm 2019 và được điều chỉnh tăng theo lộ trình của Luật BHYT