Như vậy, Đức trở thành quốc gia thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU), sau Pháp, đã vạch ra tầm nhìn chính thức về khu vực khi đưa ra Hướng dẫn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hồi tháng 9-2020 với mục tiêu nâng cao vai trò của nước này với tư cách là “một bên và một đối tác sáng tạo” ở khu vực.
Phát biểu nhân dịp khinh hạm Bayern xuất phát từ cảng Wilhelmshaven (bang Niedersachsen) tới khu vực Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, Đức mong muốn đóng góp vào quá trình định hình và duy trì trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông nêu rõ Đức sẽ mở rộng quan hệ với các đối tác cũng như thực hiện các cam kết của của mình đối với khu vực thông qua quan hệ đối tác chiến lược của EU với ASEAN hoặc tham vấn chính sách an ninh với Nhật Bản và Australia. Sứ mệnh của con tàu là hợp tác cùng với các đối tác để cùng ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường an ninh khu vực.
Khinh hạm Bayern rời cảng Wilhelmshaven, miền Bắc nước Đức, hướng tới châu Á theo lịch trình dự kiến đi qua Địa Trung Hải và kênh đào Suez, tiếp đó qua Ấn Độ Dương đến Australia, rồi đến Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Sứ mệnh này là một tín hiệu cho các đồng minh và đối tác của Đức về sự tham dự nhiều hơn của Berlin trong khu vực được coi là hết sức quan trọng về mặt địa chính trị và kinh tế trong thế kỷ 21.
Theo chuyên gia quốc phòng Helena Legarda của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Merics ở Berlin, động thái này là bước đi lớn mang tính tích cực của Đức và kế hoạch đưa tàu chiến của Đức gửi một thông điệp rằng Berlin sẵn sàng đối đầu với những yêu sách biển ở khu vực này một cách chủ động hơn. “Sự kiện cho thấy cách tiếp cận của Berlin bắt đầu thay đổi, phản ánh sự hiểu biết mới về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với sự ổn định toàn cầu và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”, chuyên gia Legarde nhận định.