Kết quả này cho thấy cử tri châu Âu dường như đã không còn do dự trong việc lựa chọn các đảng phái theo xu hướng cánh tả hay cánh hữu ở sự kiện quan trọng này.
Có thể bị đảo ngược
Theo kết quả trên, dù liên minh các đảng thân châu Âu có thể giành đa số trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), nhưng với việc Anh dự đoán sẽ tham gia cuộc bầu cử do tiến trình Brexit (Anh rời khỏi EU) bị hoãn lại, tỷ lệ ghế các đảng hoài nghi châu Âu chiếm giữ cũng sẽ tăng vọt từ 10% hiện nay lên 14,3%. Hiện tại, số ghế trong EP là 751, liên minh các đảng trung tả và trung hữu chiếm đa số. Theo dự báo, đảng Nhân dân châu Âu theo đường lối trung hữu (EPP) vẫn chiếm nhiều nhất với 180 ghế (tương đương 24%), giảm so với mức 29% hiện nay. Các đảng Dân chủ và Xã hội trung tả đứng thứ 2 với 149 ghế (tương đương 19,8%) và các đảng Tự do đứng thứ 3 với 76 ghế (chiếm 10%).
Mặc dù vậy, tương quan giữa các đảng vẫn có thể bị đảo ngược nếu Anh và EU bất ngờ đạt được thỏa thuận ra đi trước thời điểm diễn ra bầu cử EP. Bên cạnh đó, việc các lãnh đạo dân túy tại một số nước như Hungary, Italy, Ba Lan kêu gọi phe hoài nghi châu Âu, lực lượng cực hữu chống người nhập cư lập liên minh nhằm giành quyền kiểm soát trong cơ quan lập pháp của châu Âu đang được xem là thách thức không nhỏ của phe thân châu Âu trong vòng bầu cử mới. Nếu các đảng dân túy chiến thắng sẽ đồng nghĩa với việc giữ quyền chi phối chính sách của EU và gây tác động sâu sắc tới tình hình thế giới, có thể dấy lên làn sóng bài ngoại chứa đựng nhiều ẩn họa, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo di cư, nhập cư…
Lo ngại trước viễn cảnh này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk buộc phải lên tiếng kêu gọi cử tri châu Âu không bỏ phiếu cho các đảng chống EU. Ông Donald Tusk nhấn mạnh: “Những lực lượng chống châu Âu ở bên ngoài đang tìm cách công khai hoặc bí mật tác động đến các lựa chọn dân chủ của người dân châu. Tôi kêu gọi tất cả những người quan tâm đến EU cần phải hợp tác, không cho phép các đảng chính trị được ủng hộ bởi các lực lượng bên ngoài quyết định các ưu tiên chính của EU và là lực lượng lãnh đạo mới của các tổ chức châu Âu”.
Tranh luận về tương lai châu Âu
Theo giới quan sát, sự trỗi dậy của các đảng theo chủ nghĩa dân tộc đã tạo ra cơ hội biến chiến dịch bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới thành một cuộc tranh luận xuyên quốc gia về tương lai của châu Âu. Theo nhà lãnh đạo của đảng Liên đoàn Italy ủng hộ tư tưởng hoài nghi EU Matteo Salvini, cuộc bầu cử châu Âu là một cuộc trưng cầu ý dân giữa châu Âu của giới tinh hoa, các ngân hàng, tài chính, nhập cư và công việc bấp bênh và châu Âu của người dân, người lao động. Cánh hữu cực đoan dân túy được dự đoán sẽ tập trung vào vấn đề di cư và biến thành lợi thế khi vận động cử tri ủng hộ bài nhập cư.
Tại vòng bầu cử Nghị viện châu Âu, cử tri sẽ tham gia bầu 751 đại biểu của Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của châu Âu thực hiện 3 quyền cơ bản là lập pháp, quyết định về ngân sách và giám sát các hoạt động của EU, đặc biệt là của Ủy ban châu Âu. Sau bầu cử, Nghị viện châu Âu mới sẽ bầu ra Chủ tịch Ủy ban châu Âu và bỏ phiếu về vấn đề ngân sách cho hoạt động của EU trong 5 năm tới.
Theo người phụ trách các vấn đề đối ngoại của Hội đồng châu Âu Mark Leonard, chỉ có 43% số người được hỏi tại 14 quốc gia thành viên lớn của châu Âu (chiếm 80% số ghế tại Nghị viện châu Âu) trả lời chắc chắn đi bỏ phiếu. Phần đông còn lại, chiếm hơn 50%, vẫn chưa quyết định đi bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu cho đảng phái nào.