Vào một ngày mưa tầm tã trung tuần tháng 8-2006, tôi về đến Lam Kinh thuộc làng Lam Sơn, hay còn gọi là làng Cham, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, quê của người anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bên dòng sông Mã và sông Chu.
Khu di tích Lam Kinh của nhà Lê là một quần thể có diện tích 141ha, trong đó khu nội thất rộng 31ha. Quần thể Lam Kinh là nơi chôn cất quần thần 10 đời đầu của nhà Lê (nhà Lê có 26 đời), nhưng hiện nay mới xác định được khu lăng mộ của 6 đời đầu từ Lê Lợi, Lê Thái Tổ đến Lê Túc Tông, 4 khu lăng mộ còn lại chưa tìm được bia.
Qua bao cuộc biến thiên của lịch sử, khu đền thờ ngày xưa của nhà Lê đã bị thiêu hủy. Khu đền thờ được xây dựng từ 200 năm trước do nhân dân trong vùng đóng góp nhưng rất nhỏ, chưa xứng tầm với công tích của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Năm 1995, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định xây dựng lại khu đền thờ hiện nay gồm điện thờ Lê Lợi, Lê Lai và Nguyễn Trãi cùng các hoàng hậu và công chúa có nhiều đóng góp tích cực trong lịch sử thời Lê.
Kiến trúc lăng mộ của các đời vua nhà Lê đơn sơ, tương đối giống nhau, không hoành tráng, quy mô, kiểu cách như lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn ở Kinh thành Huế. Trước mỗi ngôi mộ đều có các tượng quan văn võ đứng hầu cùng với các tượng vật tượng trưng cho 12 con giáp. Tường thành lăng mộ xây đơn giản và cao không quá thắt lưng người. Các lăng mộ đều được tập trung trong một khu vực, chỉ cách nhau vài trăm mét.
Trần Huy Hùng Cường