Mặc dù Phan Đình Đống không chọn nghề công an, nhưng khi tổ chức phân công, là đảng viên, ông đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Ông đã từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc công an các tỉnh: Cần Thơ (1946), Mỹ Tho (1948); Phó Giám đốc Công an Nam bộ (1949), Phó Giám đốc Công an Liên khu miền Đông (1952); Giám đốc Công an TPHCM (1975); Bộ trưởng Nội vụ (Công an) năm 1986...
Nghề nghiệp tạo cho ông bản lĩnh và sự quyết đoán. Nhưng bên trong sự quyết đoán của một vị tướng làm nghiệp vụ công an ấy là một trái tim nhân hậu.
Đại tướng Mai Chí Thọ không kể, nhưng tôi đã nghe các đồng chí của ông kể cho nghe nhiều câu chuyện nhân văn thấm đẫm tình người. Năm 1945, sau khi vượt ngục Côn Đảo, ông được tổ chức phân công làm Giám đốc Công an Cần Thơ. Một lần, cơ quan báo cáo có “tướng cướp” biệt danh là Tiểu La Thành vừa mãn hạn tù về, lại tiếp tục đường cũ: trộm cướp. Ông cho gọi Tiểu La Thành đến gặp, ông nói với anh ta giọng ân cần:
- Như anh, trong lúc nhân dân đang kháng chiến giải phóng đất nước mà bị tử hình vì tội trộm cướp thì còn ra gì nữa. Nếu muốn làm Tiểu La Thành thì sao anh không vào Vệ quốc đoàn, chiến đấu vì dân, vì nước. Nếu có phải hy sinh thì cũng xứng danh anh hùng, hảo hán, để tiếng thơm lại cho đời.
Nghe có lý, Tiểu La Thành bỏ nghề trộm cướp, tình nguyện vào bộ đội. Anh chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh, để lại tiếng thơm và sự tiếc thương của đồng đội, nhân dân.
Lại nữa, năm 1977, làm Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Giám đốc Công an TPHCM, ông được báo cáo có một người đàn ông đeo băng đỏ với dòng chữ “Đả đảo cộng sản” đứng trước nhà thờ Đức Bà, cách trụ sở UBND TPHCM không xa. Với lòng nhân hậu và sự tỉnh táo, ông nhận định: “Chuyện này chỉ có thể xảy ra trong 3 trường hợp. Thứ nhất, anh ta mất trí, điên loạn. Thứ hai, có kẻ dùng tiền mua chuộc. Thứ ba, vì lý do nào đó anh ta cùng quẫn, làm bậy”.
Ông chỉ đạo anh em bình tĩnh điều tra, tìm hiểu. Quả nhiên, anh em báo cáo đó là một người lính chế độ cũ, vợ yếu, con đông, nghèo túng, bán hủ tiếu cạnh căn cứ Quang Trung cũ. Nay chính quyền thu hồi nhà đất xây dựng công trình công ích nên anh ấy làm bậy. Ông chỉ đạo thả anh ta ra, giao chính quyền cơ sở vận dụng hỗ trợ về chỗ ở và tặng gia đình anh ta 1 tạ gạo. Cảm kích trước sự đối xử nhân văn ấy, người lính chế độ cũ đã ăn năn, chí thú làm ăn.
Vào khoảng những năm cuối thế kỷ XX, những người con tâm huyết cùng quê hương đứng ra vận động thành lập Hội đồng hương tỉnh Hà Nam Ninh tại TPHCM. Lúc ấy, Đại tướng Mai Chí Thọ đã bước vào tuổi bát tuần. Được bà con tôn vinh là Chủ tịch danh dự - một trong những người sáng lập hội, Đại tướng Mai Chí Thọ vui vẻ nhiệt tình tham gia công tác hội. Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội đồng hương tỉnh Hà Nam Ninh được tổ chức tại Trường Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, với sự có mặt của đoàn đại biểu quê hương do đồng chí Bùi Xuân Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, dẫn đầu, ông có mặt từ sớm.
Thấy cả ngàn bà con đồng hương đến dự, Đại tướng Mai Chí Thọ xúc động lắm. Theo đề nghị của ban tổ chức, ông nói chuyện cùng bà con. Giọng ông lạc đi khi nói về quê hương với những kỷ niệm ấu thơ khó phai mờ. Truyền thống văn hiến của đất Thành Nam, quê hương của các vua Trần và biết bao chí sĩ, danh nhân văn hóa đã nuôi dưỡng ông thành chiến sĩ cách mạng. Ông nhắc nhở những người trong Ban liên lạc Hội đồng hương phải hướng hoạt động của mình vào việc giúp đỡ bà con, nhất là bà con nghèo, gặp chuyện chẳng lành, ổn định cuộc sống. Phải có hình thức phù hợp để giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học, truyền thống cách mạng của quê hương.
Tuy không còn đảm nhiệm trọng trách, nhưng trái tim ông vẫn đau đáu hướng về quê hương, đất nước, đặc biệt những vùng căn cứ cách mạng và những người nghèo khó. Chính vì thế, với bà con quê hương, ông như cây cao, bóng cả, chỗ dựa tinh thần. Mọi người không chỉ kính trọng, ngưỡng mộ ông ở sự hy sinh, cống hiến cho đất nước mà còn bởi tấm lòng nhân hậu, nhân văn.