Chiến lược dự kiến sẽ tạo ra 48 tỷ baht (1,32 tỷ USD) về tác động kinh doanh và xã hội cũng vào năm 2027. Bên cạnh việc thúc đẩy việc thu hút thêm đầu tư công nghệ nước ngoài vào các trung tâm dữ liệu đám mây, Bộ Xã hội và Kinh tế số (DES) của Thái Lan đã đề ra kế hoạch đạt được mục tiêu thông qua chính sách ưu tiên dữ liệu đám mây. Chính sách này nhấn mạnh việc sử dụng một nền tảng ID số duy nhất cho các dịch vụ của chính phủ, bên cạnh việc phát triển lực lượng lao động được trang bị các kỹ năng AI.
Cuối năm ngoái, DES cũng đã đề ra chiến lược mới nhằm thúc đẩy việc ứng dụng AI và hỗ trợ các nhà cung cấp công nghệ AI trong nước có tên gọi “Thành công nhanh chóng trong chính sách đối với AI và đám mây”, do Cơ quan Xúc tiến Kinh tế số (Depa) thực hiện. Theo Depa, nhiệm vụ chính bước đầu bao gồm việc điều chỉnh các biện pháp của Ủy ban Đầu tư (BoI) để thu hút các nhà nhập khẩu công nghệ đám mây và AI thông qua các ưu đãi phù hợp. Trong 6 tháng, Depa sẽ tăng cường hệ sinh thái AI bằng cách xây dựng một khu AI ở Thung lũng số Thái Lan trong Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) và sẽ đưa ra các hướng dẫn thành lập quỹ đồng đầu tư để phát triển AI. Depa cũng đặt mục tiêu tăng số lượng công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm AI từ 10 lên hơn 20 công ty.
Đối với mục tiêu một năm, Depa có kế hoạch thu hút các nhà nhập khẩu AI nước ngoài đầu tư và đăng ký làm pháp nhân trong nước, ưu tiên tăng số lượng nhà cung cấp công nghệ AI lớn ở Thái Lan lên gấp đôi. Ngoài ra, Depa đặt mục tiêu có ít nhất 20 cơ quan nhà nước ứng dụng AI trong hoạt động, đồng thời giảm giá trị thiệt hại đối với nền tảng kỹ thuật số do AI điều khiển gây ra xuống dưới 10 tỷ baht (khoảng 3 triệu USD). Trong khuôn khổ chiến lược AI quốc gia, Thái Lan đã mở rộng hợp tác với các công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực AI. Thái Lan cũng chuẩn bị sẵn sàng dự thảo luật điều chỉnh các quy định liên quan AI. Hiện có 2 văn bản dự thảo đã được đưa ra ở Thái Lan gồm: Dự thảo Nghị định Hoàng gia về hoạt động kinh doanh sử dụng hệ thống AI và Dự thảo đạo luật về thúc đẩy và hỗ trợ đổi mới AI ở Thái Lan.
Bên cạnh những tiềm năng đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống con người, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm lượng khí thải carbon, thu hẹp khoảng cách giáo dục, Chính phủ Thái Lan cũng xác định AI tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, có các nguy cơ khả năng AI thúc đẩy tự động hóa theo cách chưa từng có, dẫn đến tình trạng thất nghiệp trên quy mô lớn, khiến hàng triệu người mất việc; nguy cơ thâm hụt thương mại ngày càng tăng do nhập khẩu công nghệ AI. Hơn nữa, do trình độ hiểu biết về AI của người dân còn thấp, dẫn đến quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân có nguy cơ bị xâm phạm dưới hình thức trộm cắp tài sản trí tuệ, giám sát bất hợp pháp, giả mạo…