Ngày 6-7, nhà chức trách Thái Lan thông báo 1 cựu đặc nhiệm hải quân Thái Lan đã tử nạn khi tham gia cứu hộ đội bóng mắc kẹt ở hang Tham Luang. Người đàn ông 38 tuổi này đã lặn vào hang tối 5-7 và bất tỉnh vì bị ngạt hơi, dù đồng đội đã cố gắng cấp cứu nhưng cựu quân nhân này đã không qua khỏi vào lúc rạng sáng 6-7 tại bệnh viện.
Lượng nước giảm 40%
Trước đó, các chuyên gia của Đại học Chulalongkorn đã khuyến cáo, do cấu trúc đá vôi của hang động này, lượng nước bên ngoài sẽ dễ dàng thẩm thấu vào trong hang, trong khi đó còn có nhiều ngách đá hở khiến các dòng nước mưa sẽ chảy vào hang. Nếu mưa lớn đổ xuống, ngọn núi có hang Tham Luang Nang Non sẽ như một miếng bọt biển hút hết nước vào.
Chỉ còn rất ít thời gian để cứu đội bóng trước khi những trận lụt mới xảy ra có thể khiến toàn nhóm có thể phải ở lại trong hang hàng tháng trời tiếp theo. Hiện người dân và các cơ quan chức năng đã tiến hành chuyển dòng chảy của hai dòng suối ở Bắc và Nam núi Doi Nang Non nhằm giảm bớt lượng nước chảy vào khu vực hang. Ước tính, đã có tới 70% lượng nước của các con suối này đã được chuyển hướng sang khu vực khác. Theo thông báo của ban tổ chức chiến dịch cứu hộ, lượng nước đã giảm tới 40% kể từ khi các nạn nhân được phát hiện còn sống.
Lực lượng cựu hộ đang dùng máy bơm để rút nước từ hang động Tham Luang Nang Non. Ảnh: Reuter
Lực lượng cứu hộ giờ đây đang hướng tới sảnh hang thứ ba, nơi nước vẫn đang ngập đến trần. Khi nước rút, sẽ lộ ra một con đường kéo dài khoảng gần 2,4 km và cho phép đội bóng có thể lội trong mực nước ngập tới eo trong khi mặc áo phao, để thoát ra ngoài mà không phải lặn dưới nước. Nếu thuận lợi, đây sẽ là kế hoạch khả thi hơn nhiều so với giải pháp để đội bóng lặn bình hơi ra ngoài đưa ra trước đó. Với giải pháp lặn, phải mất đến 6 tiếng để đội cứu hộ có thể tiếp cận được đội bóng, và cần 5 tiếng nữa để ra khỏi hang. Điều này có nghĩa các cậu bé ở độ tuổi 12 và không hề có kinh nghiệm lặn sẽ phải ngâm mình trong nước liên tục nhiều giờ đồng hồ và lặn trong điều kiện dòng chảy gây nguy hiểm cho cả những quân nhân dày dặn kinh nghiệm.
Đường hầm mới Tờ Guardian dẫn lời Thanes Weerasin, Chủ tịch Viện Kỹ thuật Thái Lan và là kỹ sư trưởng trong chiến dịch giải cứu đội bóng nhí mắc kẹt tại hang Tham Luang, cho biết các chuyên gia đang nghiên cứu một đường hầm lớn sâu tới 100m mới được phát hiện, nơi họ có thể khoan xuống và tạo thành lối đi để đưa các cậu bé thoát ra ngoài. Ông T.Weerasin nói thêm rằng khi tiến thêm 20m về phía vị trí của đội bóng, các kỹ sư phát hiện một lối đi khác bị tảng đá lớn chặn lại. Sử dụng thiết bị thăm dò chuyên dụng, họ phát hiện sau tảng đá này là một đường hầm kéo dài thêm 10m nữa, họ tin rằng đường hầm này rất gần với nơi đội bóng đang trú ẩn. Phát hiện về đường hầm mới này giúp tăng lựa chọn cho đội cứu hộ, trong bối cảnh các phương án giải cứu hiện nay có nguy cơ bị đe dọa bởi cơn mưa lớn sắp trút xuống khu vực hang Tham Luang. Lượng oxy trong hang đã giảm xuống còn 15%, trong khi mức thông thường là 21%, gây nguy hiểm cho cả đội bóng và lực lượng cứu nạn. Ngày 6-7, Hội đồng Báo chí quốc gia Thái Lan (NPCT) ra thông cáo đề nghị giới truyền thông trong và ngoài nước nên bình tâm chờ để phỏng vấn các nạn nhân và gia đình họ vào thời điểm thích hợp. NPCT cũng kêu gọi giới truyền thông cập nhật tin tức một cách cẩn trọng, tránh chạy đua tin tức làm ảnh hưởng đến các quyền và sự riêng tư của những người liên quan; tránh đưa ra các câu hỏi không phù hợp và ứng xử với các nạn nhân cùng gia đình một cách đúng mực, không gây ra sự hiểu nhầm, chia rẽ hay các sang chấn tâm lý khác. NPCT cảnh báo việc tìm kiếm các thông tin và hình ảnh có thể xâm phạm các quyền lợi của nạn nhân. Trước đó, một số phóng viên đã cố tìm thân nhân của các thành viên đội bóng để phỏng vấn và chụp ảnh khiến nhà chức trách phải đặt ra các biển cấm và đưa những người này sang một khu vực cách ly.