Bà Traisuree Taisaranakul, Thư ký Bộ trưởng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ, cho biết thông báo thứ nhất có hiệu lực từ ngày 1-10 liên quan đến các lao động 4 nước nêu trên đã làm việc ở Thái Lan và trước đó đã được gia hạn lưu trú đến ngày 30-9-2023.
Theo nội dung thông báo mới, nhóm lao động này sẽ tiếp tục được ở lại Thái Lan cho đến ngày 20-1-2024. Trong thời gian đó, người sử dụng lao động phải nộp đơn xin phép hợp pháp để những lao động này có thể tiếp tục sống và làm việc tại Thái Lan cho đến ngày 13-2-2025.
Con của các lao động nhập cư này nếu dưới 18 tuổi sẽ tự động được ở lại cùng bố mẹ, trong khi những người trên 18 tuổi được phép ở lại thêm 60 ngày kể từ sinh nhật tròn 18 tuổi để đăng ký xin giấy phép làm việc hợp pháp tại Thái Lan.
Thông báo thứ hai có hiệu lực từ ngày 14-11-2023 liên quan đến một nhóm đối tượng lao động nhập cư khác đến từ Myanmar, Lào và Campuchia, hiện đang sống và làm việc tại Thái Lan theo một biên bản ghi nhớ (MoU) được ký giữa Chính phủ Thái Lan với các chính phủ 3 nước này.
Thông báo mới cho biết những lao động nhập cư theo MoU nói trên mà hợp đồng 4 năm lao động của họ hết hạn vào ngày 31-12 thì họ sẽ được phép tiếp tục sống ở Thái Lan cho đến ngày 30-4-2024.
Bà Traisuree cho biết nếu các lao động nhập cư muốn tiếp tục làm việc từ ngày 1-1 đến ngày 30-4-2024, người sử dụng lao động phải thay mặt họ nộp đơn xin giấy phép lao động. Đối với những người muốn ở lại và tiếp tục làm việc sau ngày 30-4-2024, chủ lao động sẽ phải gửi yêu cầu mới cho họ một lần nữa.
Trước đó, Bộ Lao động Thái Lan ban hành một nghị định cấp bộ giảm chi phí thị thực và lưu trú cho người lao động Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Các quyết định mới này được xem như giải pháp của Chính phủ Thái Lan nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của đất nước, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và giúp Thái Lan duy trì nguồn lao động ổn định, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số.