Trích dẫn dự báo của chính phủ, ông Pisit cho biết, nếu tỷ lệ lực lượng lao động trên tổng dân số tiếp tục giảm, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi vào lực lượng lao động sẽ tăng lên mức 56,2/100 người vào năm 2040 so với mức 28,4/100 người vào năm ngoái. Những thay đổi liên tục trong cơ cấu dân số của Thái Lan sẽ dẫn đến giảm năng suất gộp, đồng thời tăng nhanh mức lương tối thiểu và kéo theo lạm phát gia tăng.
Những thay đổi đó cũng sẽ gây ra vấn đề cung - cầu nếu người cao tuổi trở nên nghèo hơn và sức mua của họ giảm. Tình hình tiết kiệm nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng khi người cao tuổi chi tiêu nhiều hơn số tiền tiết kiệm của họ.
Già hóa dân số còn khiến Thái Lan đứng trước thách thức khi chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao, trong khi mức thu nhập đầu người của Thái Lan hiện chỉ đạt 6.362 USD/năm. Trong khi đó, Thụy Sĩ và Phần Lan (hai quốc gia có mức sinh thấp) hiện có mức thu nhập bình quân đầu người lần lượt là 78.816USD và 48.580USD. Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho biết, chi phí cho hệ thống y tế công của quốc gia này đã tăng trung bình 12%/năm trong 12 năm qua, và đang nằm ở mức cao nhất của Đông Nam Á. Cùng với đó, theo nhận định của Ủy ban Ngân hàng Trung ương Thái Lan, các quỹ lương hưu có thể cạn kiệt trong vòng 15 năm tới nếu Thái Lan không tiến hành một cuộc cải cách lớn về thuế.
Bộ Lao động Thái Lan cũng đưa ra cảnh báo lực lượng lao động nước này đối mặt với nguy cơ thiếu hụt ngay từ năm 2019, nhất là nhóm lao động tay nghề cao (do tỷ lệ sinh thấp và dân số già). Hiện lực lượng lao động của Thái Lan có 43 triệu người, chưa bao gồm lao động nhập cư. Trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về lực lượng lao động nói chung, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, đang trở nên cấp thiết. Với mức lạm phát dưới 1% và lãi suất dưới 2%, cùng với đồng baht đang tăng giá nhanh, bức tranh kinh tế Thái Lan đang bắt đầu có những điểm giống nền kinh tế với dân số già của Nhật Bản hơn là các nước đang phát triển như Indonesia hay Philippines.
Ông Pisit cho biết, các giải pháp ngắn hạn cho vấn đề cân bằng dân số có thể được giải quyết thông qua cải cách lực lượng lao động, bằng cách nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để tăng năng suất, đồng thời tăng số lượng lao động nữ để bù đắp cho sự thiếu hụt do nhiều người nghỉ hưu. Trong khi đó, theo Cục Sức khỏe thuộc Bộ Y tế Thái Lan, các biện pháp của chính phủ để tăng tỷ lệ sinh bao gồm giảm gánh nặng chi phí cho các cặp vợ chồng có con mới sinh đến 5 tuổi, thành lập trung tâm phát triển kỹ năng vận động và nhận thức của trẻ em dưới 2 tuổi.
Các biện pháp khác là khuyến khích người dân kết hôn và sinh con, hỗ trợ những người có khó khăn về sinh sản. Văn phòng Bảo hiểm xã hội Thái Lan đã đưa ra kế hoạch tăng những khoản đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, nhằm hỗ trợ quỹ này trước việc sẽ có dòng tiền chi trả lương hưu lớn trong tương lai gần. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, hỗ trợ vay mua nhà cho người già và có chính sách khuyến khích các công ty thuê lao động trên 60 tuổi.