Thái Lan đưa trẻ em quay lại trường học

Nhằm đưa trẻ em thất học trở lại trường, dự án Thailand Zero Dropout (Thái Lan không bỏ học) do Quỹ Giáo dục công bằng (EEF) đã được khởi xướng, với mục tiêu giảm số trẻ em bỏ học từ hơn 1 triệu hiện nay xuống còn 200.000 trong 5 năm tới.

Một lớp học tại Thái Lan. Ảnh: ASEAN NOW
Một lớp học tại Thái Lan. Ảnh: ASEAN NOW

Theo Bộ Giáo dục Thái Lan, nước này có khoảng 11 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học, nhưng năm ngoái có 1,02 triệu trẻ em không được đến trường. Hơn 1/3 số trẻ em ngoài nhà trường (394.039 trẻ) không có hồ sơ đi học, trong khi hơn 94.000 trẻ thậm chí còn không được đăng ký đi học. Phần lớn trong số này là trẻ em có cha mẹ là người lao động nhập cư, hoặc trẻ em không có giấy tờ hợp pháp sống ở vùng biên giới xa xôi. Nhóm thứ ba không được học là trẻ khuyết tật không được đăng ký.

Ở Thái Lan, giáo dục tại các trường công lập được miễn phí cho đến lớp 9. Tuy nhiên, có những chi phí khác trong giáo dục như chi phí đi lại và ăn uống - khoảng 2.000-6.000 baht Thái Lan (khoảng 55-164 USD)/tháng, khiến một số học sinh không thể tiếp tục học. Báo cáo của EEF cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ bỏ học tăng mạnh, đe dọa nhiều khía cạnh khác nhau của sự phát triển kinh tế. Sau đại dịch, hàng trăm ngàn gia đình trên khắp Thái Lan rơi vào cảnh nghèo đói nên con cái không có điều kiện học hành đầy đủ. Vòng nghèo đói thế hệ này có thể khiến Thái Lan mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình trong vài thập niên nữa.

Trong khi đó, nền kinh tế Thái Lan đang có tốc độ tăng trưởng chậm trong khu vực và gánh nặng tài chính ngày càng gia tăng do một xã hội già hóa với tỷ lệ sinh hàng năm giảm xuống dưới 500.000. Chính phủ Thái Lan ước tính, việc đạt được mục tiêu không bỏ học sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng thêm 1,7%.

Vào cuối tháng 5, Chính phủ Thái Lan thông qua 4 biện pháp nhằm đưa nước này hướng tới mục tiêu không có học sinh bỏ học. Đầu tiên là tìm kiếm trẻ em ngoài nhà trường thông qua nỗ lực tổng hợp của các cơ quan chính phủ. Tiếp theo là cung cấp hỗ trợ toàn diện cho trẻ em ngoài nhà trường bao gồm giáo dục, y tế, phát triển, điều kiện sống và các khía cạnh xã hội. Biện pháp thứ ba là giáo dục linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh khác nhau của trẻ và khuyến khích phát huy tối đa tiềm năng phát triển của trẻ. Cuối cùng, khu vực tư nhân sẽ giúp thúc đẩy giáo dục thông qua các sáng kiến mới dạy các kỹ năng theo yêu cầu cho thanh niên trong độ tuổi 15-18.

Bên cạnh đó, theo ước tính của Bộ Giáo dục Thái Lan, hơn 11.000 giáo viên sẽ nghỉ hưu mỗi năm trong 10 năm tới. Để đối phó với tình trạng giáo viên Thái Lan nghỉ hưu, Bộ Giáo dục phải xây dựng kế hoạch tăng cường tuyển dụng giáo viên thay thế, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Ngoài ra, EEF sử dụng cả quỹ công và quỹ tư nhân để hỗ trợ tiền mặt cho hơn 1,3 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp trên khắp Thái Lan. Hàng ngàn sinh viên cũng nhận được học bổng của EEF để lấy bằng cấp và chứng chỉ đào tạo nghề.

Theo kế hoạch, ngày 14-6 tới, EEF sẽ tổ chức cuộc họp Thailand Zero Dropout đầu tiên với 11 cơ quan chính phủ. EEF cũng sẽ hợp tác nghiên cứu với các cơ quan chức năng để tìm ra những cách tốt hơn nhằm cải thiện toàn bộ hệ thống giáo dục của Thái Lan theo hướng hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục