Chính quyền quân đội cầm quyền cho hay, hơn 3.000 người ủng hộ bà Yingluck, còn gọi là lực lượng áo đỏ, có thể xuất hiện trước tòa vào ngày hôm nay. Đây được xem là một cuộc tập hợp chính trị lớn nhất ở Thái Lan kể từ khi Chính phủ của bà Yingluck bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014. Theo Bangkok Post, 4.000 cảnh sát sẽ được tăng cường đề phòng những rắc rối từ những người thuộc phe áo đỏ.
Bà Yingluck bị cáo buộc xao lãng trách nhiệm trong chương trình trợ cấp giá gạo trị giá hàng tỷ USD. Theo đó, chính phủ mua gạo từ nông dân với giá gấp đôi giá thị trường khiến gạo tồn kho quá nhiều dẫn đến thối rữa, làm mất danh tiếng và sụt sản lượng xuất khẩu gạo Thái Lan trên trường quốc tế. Chính phủ Thái Lan hiện nay cho rằng, chương trình đã gây thiệt hại lên đến 8 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, kế hoạch thu mua lúa gạo do anh trai của bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, dựng lên để thu hút sự ủng hộ các cử tri ở nông thôn vốn đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2001. Bà Yingluck đối mặt với án 10 năm tù nhưng có thể kháng cáo lên tòa án tối cao.
Ngoài phán quyết của tòa án, Hội lập pháp quốc gia (NLA) - cơ quan lập pháp cao nhất trong giai đoạn quân quản, đã bỏ phiếu nhất trí buộc tội bà Yingluck xao lãng nhiệm vụ trong việc giám sát chương trình trợ giá lúa gạo và gây thiệt hại lớn cho đất nước. Với lời buộc tội này, bà Yingluck bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong 5 năm. NLA cũng đang trình Hội đồng gìn giữ trật tự quốc gia (NCPO - cơ quan hành pháp cao nhất) dự luật quy định về các đảng phái chính trị, với nhiều khả năng ngăn cản nhiều nhà hoạt động chính trị sau khi hết thời kỳ tang lễ Nhà vua Bhumibol Adulyadej vào tháng 10 tới.
Các nhà hoạt động đối lập cho rằng, phán quyết buộc tội bà Yingluck sẽ tăng thêm tâm lý tức giận chống chính phủ, đặc biệt ở phía Bắc và Đông Bắc, nơi có đa số dân ủng hộ gia đình bà Yingluck. Ông Trakool Meechai, cựu giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nói rằng các cuộc biểu tình kéo dài liên tục để phản đối phán quyết của tòa án với bà Yingluck là điều không thể xảy ra do quân đội đã áp đặt nhiều lệnh cấm. Theo ông Meechai, một bản án nặng cho bà Yingluck sẽ đánh dấu kết thúc sự nghiệp chính trị của bà, đồng thời gây sức ép lớn cho gia đình bà cũng như những người trung thành, dẫn tới gia tăng sự chia rẽ chính trị, đi ngược lại tiến trình hòa giải mà quân đội đang tiến hành; ngược lại nếu bản án cho bà Yingluck nhẹ hơn dự báo hoặc tha bổng thì sự ủng hộ với đảng Puea Thai của bà Yingluck sẽ tăng cao trong cuộc tổng tuyển cử mà chính quyền quân sự đã hứa sẽ tổ chức vào năm 2018. Hơn thế nữa, về lâu dài, bản án có thể ngăn cản các chính phủ can thiệp vào thị trường và đó sẽ là một bài kiểm tra chất lượng đối với các chính trị gia tương lai sẽ quản lý đất nước như thế nào.