Đó là những câu hát mở đầu trong ca khúc “Nắng ấm quê hương” mà chắc hẳn người con Thái Bình nào cũng từng ngân nga nhất là khi xa quê, bởi bài hát ấy đã vẽ ra một bức tranh khá đầy đủ về quê hương của chị hai năm tấn.
Bãi biển Đồng Châu
Biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, cách thành phố Thái Bình khoảng 35km. Đồng Châu những năm gần đây không còn được sử dụng làm bãi tắm mà trở thành nơi nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương, nhưng nó vẫn là điểm đến không thể bỏ qua nhờ sự trong lành, hoang sơ thiên nhiên ban tặng.
Du khách nếu muốn tránh cái ồn ào của phố thị có thể ghé về Đồng Châu hưởng sự tĩnh lặng, lắng nghe tiếng sóng rì rào, ngắm nhìn vẻ đẹp của đất trời mỗi sớm bình minh hay khi chiều tà.
Trong ký ức của tôi, bãi biển Đồng Châu luôn là niềm mong ước của bọn trẻ mỗi khi hè về. Ngày ấy những bãi biển nổi tiếng như Sầm Sơn (Thanh Hóa) hay vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) gần như là mơ ước khó chạm tới, nên bọn trẻ chúng tôi chỉ mong được bố mẹ cho đi biển Đồng Châu quê mình. Chỉ mất chừng hơn 1 tiếng chạy xe máy cả gia đình đã có mặt ở đây. Những hàng phi lao reo vi vu trong gió như lời chào thân thuộc với lũ trẻ chúng tôi.
Ngày ấy, để tăng thêm niềm vui cho trẻ con, bố thường rủ thêm gia đình vài người bạn đi cùng. Thế là trẻ cũng có tụ mà người lớn cũng có bạn cùng vui. Chúng tôi ào xuống, ngụp lặn trong những lớp sóng biển cuộn trào. Thích nhất là cảm giác đang tắm biển được bố mẹ gọi lên chụp ảnh, những bác thợ ảnh với những chiếc máy ảnh cơ luôn có mặt phục vụ, ghi lại những khoảnh khắc cả gia đình vui vẻ bên nhau.
Đồng Châu ngày ấy chỉ thuần có biển, không có nhiều nhà hàng hải sản, không có những khu nghỉ dưỡng, tắm biển xong đi về liền nhưng vẫn để lại trong tôi cả bầu trời ký ức tuyệt vời.
Nhắc đến điểm tham quan nổi tiếng của Thái Bình nhiều người có thể trả lời ngay là chùa Keo. Ngày đó lũ học sinh chúng tôi cứ đến lễ hội chùa Keo (vào tháng 9 Âm lịch) là rủ nhau đạp xe đi chơi.
Trong ký ức, lúc ấy tôi cũng không hiểu hết giá trị của một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất Việt Nam, một di tích quốc gia. Cũng hiếm khi tôi dừng chân đứng ngắm khung cảnh hùng vĩ của ngôi chùa này hay vào chùa thắp hương như những người lớn.
Tôi chỉ biết rằng đó là lễ hội truyền thống, cùng đến cùng hòa mình vào không khí của nhiều trò chơi dân gian. Ngày đó, ai đi chùa Keo về cũng mua mía, học sinh chúng tôi vừa ăn mía vừa tết mũ rơm, cười nói suốt dọc con đường. Suốt những năm cấp II, cấp III, năm nào tôi cũng cùng lũ bạn đi chùa Keo, đến độ thuộc nằm lòng cả những ổ gà trên đường.
Nhưng phải đến khi học đại học và sau này đi làm xa quê, khi có dịp về thăm chùa Keo vào những ngày không đúng dịp lễ, tôi mới được bước chậm lại, cảm nhận rõ nét cái đẹp, cái yên bình của ngôi chùa cổ nằm ở một vùng quê đậm chất Bắc bộ.
Chùa Keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, là công trình cổ hơn 400 năm. Khi đến chùa Keo du khách dường như được bỏ lại mọi ưu tư vì không gian ở đây quá đỗi trong lành, bình yên. Toàn bộ chùa được xây bằng gỗ lim mang đến vẻ đẹp cổ kính, từng nét chạm trổ tinh vi. Không gian chùa Keo rất rộng với nhiều công trình kiến trúc, nhưng điểm thu hút du khách nhất có lẽ là gác chuông, cũng là biểu tượng của ngôi chùa cổ này.
Những món quà quê
Khi nhắc đến một vùng quê nào đó, phần ký ức không thể quên là những món ăn, những món quà chỉ có ở vùng quê đó. Với Thái Bình quê tôi, món quà rất hay được chọn tặng bạn bè, du khách phương xa là bánh cáy. Nguyên liệu chính của những chiếc bánh ấy là nếp cái hoa vàng, khi nước lên dậy mùi thơm nức.
Tôi thích những buổi chiều tà được cùng bố mẹ uống tách chè nóng, nhâm nhi những miếng bánh dẻo thơm, có vị cay cay ngọt ngọt, beo béo và trò truyện đủ thứ trong cuộc sống của mình. Đặc biệt tôi rất thích mua nó để làm quà tặng bạn bè phương xa, để giới thiệu với họ một đặc sản quê mình. Và tôi chắc chắn rằng ai thưởng thức món bánh cáy này cũng có thể cảm nhận được hương vị bình dị của đồng quê với mùi nếp mới.
Nếu ai đó có dịp cùng tôi về Thái Bình, tôi sẽ mời thử món canh cá Quỳnh Côi, cũng là món ăn đặc trưng không thể tìm thấy ở địa phương khác. Món canh cá Quỳnh Côi dùng vào bữa sáng, giống như món phở của người Hà Nội, nhưng thay vì bánh phở là bánh đa, thay vì thịt gà, thịt bò là những miếng cá rô chiên ăn cùng rau cần, thì là, hành lá.
Nước canh cá ngọt dịu vị cá nhưng không tanh. Người Thái Bình nào hầu như cũng biết nấu món ăn này. Nhưng đúng vị, đậm chất phải là những quán ăn ở thị trấn Quỳnh Côi, nơi khai sinh món canh cá này.
Mỗi dịp trở lại tôi đều cảm nhận được những biến chuyển nơi tôi đã sinh ra. Thái Bình hôm nay đã khác xưa nhiều, đã có những trung tâm thương mại sầm uất, những khu đô thị mới hiện đại, khang trang. Nhưng những điểm đến cũ vẫn ở đó, vẫn quen thuộc, vẫn dang rộng vòng tay đón chúng tôi trở về.