IS xuất hiện lần đầu vào năm 2014 ở miền Đông Afghanistan với tên gọi IS-K, còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan. Đến năm 2019, tổ chức này nắm giữ nhiều phần lãnh thổ quan trọng ở tỉnh Nangarhar và lấn sang tỉnh Kunar lân cận. Quân đội Mỹ đã tiến hành một chiến dịch không kích quy mô lớn chống lại IS-K, bao gồm cả việc sử dụng bom “mẹ của tất cả các loại bom”, nhưng IS-K vẫn sống sót và đang mạnh lên.
Không giống như Taliban chỉ nắm chính quyền ở Afghanistan, IS-K đang có tham vọng thiết lập một thế giới Hồi giáo thống nhất dưới một đế chế tàn bạo. Các nhà phân tích cho rằng, IS giờ đây đã hoạt động không chỉ tại Afghanistan mà cả Pakistan, nhất là tại các khu vực có nhiều tổ chức cực đoan. Vụ đánh bom hôm 4-3 tại nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite Kusha Kisaldar ở thành phố cổ Peshawar khiến người dân Pakistan lo sợ về làn sóng tấn công khủng bố ở đất nước này sau một thập kỷ giảm hẳn. Theo các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm ngoái, khả năng thu thập thông tin tình báo về IS của Washington đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Tiến sĩ Amira Jadoon, trợ lý giáo sư tại Trung tâm chống khủng bố thuộc Học viện quân sự Mỹ ở West Point, cho biết, IS-K đã chuyển từ “một nhóm nổi dậy thành một nhóm khủng bố điển hình”. Theo báo cáo hồi tháng 2 của Liên hiệp quốc, ước tính số lượng chiến binh IS-K vào khoảng 4.000. Theo các chuyên gia, các cuộc tấn công khủng bố do IS-K thực hiện với mục đích hạ uy tín chính quyền Taliban và làm suy yếu tính hợp pháp của lực lượng này khi Taliban từng tuyên bố khôi phục hòa bình và ổn định trên khắp đất nước Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Cũng từ khi Mỹ rút đi, hàng ngàn tù nhân IS-K tẩu thoát khỏi nhà tù càng làm tình hình thêm phức tạp. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo ở Afghanistan cũng tạo điều kiện để IS-K tuyển mộ thêm nhiều kẻ cực đoan với mục tiêu là gây căng thẳng giáo phái, gieo rắc hỗn loạn và khủng bố càng nhiều người càng tốt