Đụng tới là sai
Bàn về phim lịch sử, nhiều đạo diễn thừa nhận, chưa bàn tới nội dung, hay diễn xuất mà chính trang phục mới là điều khiến không ít bộ phim lịch sử của Việt Nam bị khán giả phản ứng.
Dẫn chứng điển hình là Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, bộ phim có kinh phí khổng lồ, được làm kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên phim đã bị hủy chiếu bởi từ cảnh quay, võ thuật, diễn viên quần chúng… và đặc biệt là trang phục nhân vật quá giống phim Trung Quốc.
Gần đây có phim Mỹ nhân được Bộ VH-TT-DL đặt hàng để tái hiện thời kỳ lịch sử Trịnh - Nguyễn phân tranh, song ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên được công bố, khán giả nhanh chóng nhận ra bộ quan phục in hình giống nhân vật vua sư tử trong phim nổi tiếng The Lion King của Walt Disney.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, làm phim lịch sử, trang phục đóng vai trò quan trọng và là khâu tốn kém nhưng cũng dễ nhận “gạch đá” nhất. Chỉ số ít những bộ phim như Long Thành cầm giả ca, Huyền sử thiên đô được đánh giá là tôn trọng lịch sử, có giá trị thẩm mỹ và mang đậm văn hóa Việt.
Các nhà làm phim thừa nhận, thiết kế và lựa chọn trang phục cho phim cổ trang là bài toán khá hóc búa. Căn cứ vào những tư liệu lịch sử, hiện vật tìm được tại một số mộ chí cũng như nhiều tư liệu mà phương Tây còn ghi lại, có thể đưa ra những cứ liệu chính xác về trang phục từ thế kỷ 18 cho tới nay. Nhưng với các triều đại muộn hơn như Lý, Trần, Mạc ăn vận ra sao, áo mũ cân đai thế nào cũng khá khó khăn.
Bàn về phục trang trong điện ảnh, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cũng thừa nhận đây là việc không đơn giản, bởi lẽ trang phục, đặc biệt là của tầng lớp quan lại người Việt xưa chịu ảnh hưởng từ các triều đại bên Trung Quốc.
Từ phim ảnh, truyện tranh, trang phục của các đoàn nghệ thuật truyền thống… đều không chuẩn, lâu dần người dân hiểu sai về trang phục của cha ông. Việc hễ làm là vướng, đụng tới là “sạn” trong phục trang cũng góp phần khiến cho dòng phim cổ trang bị thụt lùi với dòng chảy điện ảnh Việt.
Chuyển tải nhiều thông điệp văn hóa
“Chúng ta đã từng làm phim lịch sử nhưng rất sơ sài. Thật tội nghiệp khi có những tác phẩm mà đạo diễn, diễn viên phải mượn trang phục của các đoàn tuồng, chèo, miễn là có vẻ “cổ cổ” một chút để đưa vào. Để rồi, sau khi ra mắt đã bị phản ứng dữ dội của công chúng”, nhà sử học Lê Văn Lan nhận định.
Vì thế, việc đoàn làm phim Phượng Khấu kể cuộc đời Nghi Thiên Chương hoàng hậu (vợ vua Thiệu Trị, sau là Từ Dụ thái hậu) bắt tay với một đơn vị chuyên phục chế trang phục cổ để cùng xây dựng kho phục trang lên tới 300 bộ, được coi là một trong những dự án “khủng” với người làm phim lịch sử.
Đầu tư nhiều về số lượng và chất lượng, song chàng trai 9X Nguyễn Đức Lộc, người đứng đầu Ỷ Vân Hiên, đơn vị chịu trách nhiệm về phục trang, cũng thừa nhận, trong bối cảnh nghiên cứu về cổ phục còn rất nhiều khoảng trống thì kinh phí là một trong những vấn đề nan giải với phục trang phim lịch sử.
“Đưa một bộ cổ phục ra trước công chúng, đặc biệt là trong các bộ phim, những người thực hiện không dám nói đó là phục chế, phục dựng”, Nguyễn Đức Lộc phân trần. Bởi nếu làm chuẩn, chỉ một bộ cổ phục đúng với lịch sử sẽ có giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng với kỹ thuật dệt, chất liệu, thêu... đều 100% “made in Vietnam”.
Biết là khó, song đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh của Phượng Khấu vẫn quyết tâm dấn thân. Ê kíp làm phim kỳ vọng, với sự chung tay của những người có kiến thức và tâm huyết sẽ gây dựng được một “kho” phục trang điện ảnh mang màu sắc của giai đoạn từ 1840-1847, khi bà Từ Dụ vượt nhiều hiểm nguy để đưa con trai (hoàng tử Hồng Nhậm) lên ngôi.