Thách thức và cơ hội của USMCA


Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản nâng cấp của Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực kể từ ngày 1-7. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị đại dịch Covid-19 “nhấn chìm” thì sự ra đời của USMCA được cho là sẽ mang tới cả cơ hội và thách thức đan xen đối với 3 nước thành viên thị trường Bắc Mỹ.
Ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ hứa hẹn trở thành nơi an toàn hậu đại dịch Covid-19
Ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ hứa hẹn trở thành nơi an toàn hậu đại dịch Covid-19

Một trang mới cho nông nghiệp và sản xuất ô tô

USMCA đã mang lại cơ hội như duy trì đối tác thương mại số 1 của Mexico. Trong năm 2019, 75,7% xuất khẩu nông sản của Mexico là sang Mỹ, với tổng trị giá đạt 29,34 tỷ USD và ở chiều ngược lại, 66% kim ngạch nhập khẩu nông sản của Mexico là từ Mỹ. Điều này tạo nên một sức mạnh tổng hợp giữa ngành nông nghiệp của 2 nước.

Khi NAFTA bắt đầu từ năm 1994, xuất khẩu nông sản của Mexico chỉ đạt 4,2 tỷ USD/năm, nhưng hiện đã tăng lên 37 tỷ USD/năm, trong đó 78% đến từ Bắc Mỹ. Tuy nhiên, USMCA đặt ra nhiều biện pháp trừng phạt thương mại nếu không tuân thủ các vấn đề pháp lý, điều không có trong NAFTA, thậm chí có thể liên quan đến cấm vận hàng hóa. Phó Tổng Giám đốc Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Kinh tế Mexico Ricardo Aranda cảnh báo doanh nghiệp trong nước về khả năng Mỹ sẽ bất ngờ cấm nhập khẩu vì các yếu tố “nghi ngờ”.

USMCA - với thị trường khoảng 500 triệu dân, vẫn là phương án tốt thay vì để NAFTA đổ vỡ. Gần 3/4 lượng hàng xuất khẩu của Canada có điểm đến là Mỹ, trong khi Canada cũng là khách hàng quan trọng nhất của 32/50 bang của Mỹ. Đối với Canada, theo thỏa thuận mới, nông dân Mỹ sẽ có quyền tiếp cận lớn hơn đối với thị trường sữa, trứng và gia cầm của Canada. Người dân Canada cũng sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn khi mua hàng hóa trực tuyến xuyên biên giới từ Mỹ và Mexico, song điều này có thể tác động tiêu cực tới các hãng bán lẻ trong nước.

USMCA cũng áp đặt quy định nghiêm ngặt hơn đối với ô tô được sản xuất ở Canada, Mexico và Mỹ. Tuy nhiên, với 75% hàm lượng phụ tùng ô tô của Bắc Mỹ phải có xuất xứ trong khu vực, đặc biệt, 40% hàm lượng ô tô Bắc Mỹ phải được sản xuất ở các nhà máy, nơi người lao động có thu nhập ít nhất 16 USD/giờ, USMCA sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các hãng chế tạo phụ tùng ô tô của Canada, hứa hẹn khả năng biến Bắc Mỹ thành “bến cảng an toàn” để doanh nghiệp ẩn náu trong bão đại dịch toàn cầu.

Một hiệp định “cùng thắng”

Theo Thứ trưởng Phụ trách ngoại thương của Bộ Kinh tế Mexico, Luz Maria de la Mora, hiệp định USMCA được khởi động trong bối cảnh đây là một công cụ rất mạnh để vượt qua khủng hoảng, mang đến sự chắc chắn, với các quy tắc rõ ràng, cam kết duy trì thương mại tự do và duy trì sự hội nhập của Bắc Mỹ.

Ngay từ khi kết thúc đàm phán và ký kết USMCA, các quan chức của Mỹ, Mexico và Canada đều đánh giá đây là một hiệp định “cùng thắng”, đem lại lợi ích chung và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực. USMCA, phiên bản nâng cấp của NAFTA, sẽ kết nối gần nửa tỷ người tiêu dùng trong một thị trường chung chiếm tới khoảng 27% GDP thế giới, mà giá trị giao thương giữa các nền kinh tế Mỹ, Canada và Mexico đã đạt mức 1.200 tỷ USD vào năm 2019.

USMCA được đánh giá là tích cực đối với Mexico, Mỹ và Canada bởi các điều khoản mới bổ sung các quy tắc cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang cần được sắp xếp, cấu trúc lại và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực. USMCA sẽ đóng vai trò như một mô hình cho các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, với trị giá trao đổi thương mại giữa 3 nước thành viên đạt gần 1.500 tỷ CAD (khoảng 1.100 tỷ USD) trong năm 2018, không hề cường điệu khi tuyên bố duy trì hoạt động thương mại tự do và công bằng giữa 3 nước có ý nghĩa sống còn. Trong lễ tham gia ký kết hiệp định hồi tháng 1-2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ chúng ta có một thỏa thuận thương mại công bằng thực sự giúp tạo công ăn việc làm, thịnh vượng và tăng trưởng ngay tại nước Mỹ”.

Tin cùng chuyên mục