Đối ngoại chủ động
Cương lĩnh của tân Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, là chủ trương một Liên minh châu Âu (EU) “mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế”. Còn với tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, ông kêu gọi EU phải hành động “với sự táo bạo và tự tin” và nhấn mạnh EU phải đóng vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế, bởi nếu không, các thế lực khác sẽ đảm nhận việc này và “theo lợi ích của họ chứ không phải theo lợi ích của chúng ta”.
Từ phát biểu của các nhà lãnh đạo mới của EC có thể thấy cơ quan này đang chuẩn bị để hành động theo hướng tăng cường xác lập một chính sách đối ngoại chủ động. Điều này còn được thể hiện rõ hơn khi bà Ursula von der Leyen gọi bộ máy lãnh đạo hành pháp châu Âu là một “Ủy ban địa chính trị”. Lãnh đạo ngành đối ngoại tương lai của châu Âu, chính trị gia Tây Ban Nha Joseph Borell, được phân công phụ trách một nhóm làm việc bao gồm tất cả các ủy viên châu Âu phụ trách các lĩnh vực có ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại của EU. Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh đến việc xây dựng lực lượng phòng vệ chung của khối, xây dựng các phương tiện tài chính để EU có thể sử dụng để thực thi “các mục tiêu chính trị” của khối.
Các tuyên bố rõ ràng, mạnh mẽ là vậy nhưng tờ Le Monde cho hay các ủy viên của EC sẽ phải chứng tỏ khả năng nắm rõ hồ sơ, trước các ủy ban chuyên trách của EP. Sau 2 ngày sát hạch (30-9 và 8-10 tới), EP sẽ đưa ra nhận xét chung về dàn lãnh đạo mới. Nếu EP chưa hài lòng, sẽ có thêm các cuộc sát hạch mới.
Thực tại khắc nghiệt
Cũng theo tờ Le Monde, đây chưa phải là “một cuộc cách mạng”, nhưng rõ ràng đã có những biến chuyển quan trọng trong nhận thức về vai trò toàn cầu của EU. Theo một thăm dò dư luận mới nhất của ECRF (một viện tư vấn châu Âu) với 60.000 công dân của EU, đại đa số không còn tin tưởng vào Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho châu Âu. Các công dân châu Âu cũng hiểu rằng các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, di cư… đòi hỏi các đóng góp mang tính quyết định của EU.
Trong giai đoạn trước mắt, EU không đặt trọng tâm vào lĩnh vực quân sự. Cựu đại sứ Pháp tại EU, ông Pierre Sellal, khẳng định EU trước hết muốn trở thành một thế lực lớn trên trường quốc tế trong lĩnh vực thương mại, cạnh tranh kỹ thuật số. Trong dàn lãnh đạo mới, trọng trách này được đặt lên vai tân Phó Chủ tịch EC, chính trị gia Đan Mạch Margrethe Vestager, trực tiếp phụ trách vấn đề cạnh tranh và điều phối hồ sơ kỹ thuật số.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng EU đang phải đối mặt với các thực tại khắc nghiệt, những điểm yếu không dễ gì vượt qua của khối này, mà trước hết là tại khu vực Trung Đông, một địa bàn sống còn với EU. Cho đến nay các nỗ lực của khối khẳng định đường lối độc lập trong hồ sơ hạt nhân Iran không đạt kết quả. Cơ chế tài chính Instex cho phép hỗ trợ Iran lách các trừng phạt Mỹ, để Tehran tiếp tục ở lại với thỏa thuận hạt nhân 2015 (tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện- JPCOA) tỏ ra bất lực trước sức mạnh vượt trội của đồng USD.
Thách thức với dàn lãnh đạo mới của EC không chỉ là đối ngoại, mà còn là đối nội. Việc xây dựng một EC “uyển chuyển, mềm dẻo, hiện đại”, có năng lực mang lại “sức năng động dân chủ mới” trong nội bộ khối, đáp ứng được đòi hỏi của người dân là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Tân Chủ tịch Ursula von der Leyen còn nhấn mạnh đến duy trì yếu tố cân bằng trong nhiều vấn đề: không chỉ cân bằng về giới tính, mà còn là giữa phía Tây và phía Đông, giữa Bắc và Nam Âu, giữa các lực lượng chính trị chủ chốt...
Tất cả những điều trên đặt các lãnh đạo châu Âu đối diện trực tiếp với thách thức được coi là sống còn hiện nay: châu Âu có khả năng hành động với tư cách một thế lực địa chính trị độc lập và có uy lực trên trường quốc tế.