Gia tăng nhanh chóng
Một trong những diễn biến đang gây lo ngại là sự lây lan của ít nhất 2 biến chủng mới. Biến chủng C.1.2 xuất hiện ở Nam Phi hồi tháng 5 và có khả năng lây nhiễm nhanh gấp 2 lần so với các biến chủng được xác định trên toàn cầu.
Theo nghiên cứu của Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi, số ca mắc biến chủng C.1.2 đang gia tăng liên tục hàng tháng, tương tự như những gì được quan sát trong những ngày đầu của các biến chủng Beta và Delta.
Tốc độ lây lan của biến chủng này nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.
Biến chủng này đã được phát hiện tại Nam Phi và gần 10 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương, trong đó có Anh, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Mauritius, New Zealand…
Nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding, thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết, biến chủng có đột biến càng lớn thì nguy cơ chống lại các vaccine thế hệ đầu càng cao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi sát biến chủng khác là B.1.621, còn gọi là biến chủng Mu, bùng phát ở Colombia hồi tháng 1 và gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở nước này. Khi đó, Colombia đã ghi nhận 700 ca tử vong mỗi ngày và gần 2/3 trong số đó dương tính với biến chủng Mu.
WHO phân loại Mu là “biến chủng đáng quan tâm”, cho biết các bằng chứng sơ bộ cho thấy biến chủng này chứa những đột biến có thể “né tránh” một phần các kháng thể từ vaccine hiện có.
Điều này có nghĩa là vaccine hoặc phương pháp điều trị bằng kháng thể có thể không hiệu quả với Mu như với chủng gốc của virus SARS-CoV-2.
Mặc dù đây mới là kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, song các chuyên gia y tế WHO vẫn đang theo dõi sát sao biến chủng này để có thể kịp thời đưa ra các phương án ứng phó. Tới nay, biến chủng này đã xuất hiện tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiệu quả tiêm chủng rõ rệt
Việc sớm ngăn chặn đà lây lan rộng của Covid-19 là yếu tố giúp hạn chế sự xuất hiện của các biến chủng mới, mà một trong những giải pháp tối ưu hiện nay vẫn là tăng tốc độ tiêm chủng để nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine.
Hungary vừa công bố số liệu mới về tác dụng của các loại vaccine, gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V và Janssen (1 liều) sau khi có đầy đủ số liệu của hơn nửa năm tiêm chủng.
Theo đó, trong 3 tuần lễ sau khi tiêm mũi 1: 0,2 % vẫn bị mắc bệnh; 0,05 % phải vào bệnh viện; 0,012 % chết vì Covid-19; trong 3 tuần sau khi tiêm mũi 2, sức đề kháng tăng vọt: 0,086% mắc bệnh; 0,013% phải đi viện; 0,003% chết. Không một người nào dưới 40 tuổi tử vong sau 3 tuần tiêm mũi 2.
Do các loại vaccine được tiêm cho các đối tượng khác nhau, có sức khỏe khác nhau, số lượng sử dụng khác nhau nên bảng thống kê không làm phép so sánh mà họ chỉ thông báo kết quả về các đối tượng giữa 60 và 80 tuổi.
Theo đó, tỷ lệ người đã được tiêm 2 lần sau 21 ngày mà vẫn bị bệnh: AstraZeneca 0,008%; Moderna 0,042%; Pfizer 0,086%; Sinopharm 0,182%; Sputnik V 0,052%; Janssen (21 ngày sau đúng 1 mũi tiêm) 0,006%. Tỷ lệ người phải vào viện sau 21 ngày tiêm đủ 2 mũi là: AstraZeneca 0,005%; Moderna 0,011%; Pfizer 0,019%; Sinopharm 0,027%; Sputnik V 0,008%; Janssen 0,006%. Tỷ lệ tử vong 21 ngày sau khi tiêm đủ là: AstraZeneca: 0,001%; Moderna: 0,001%; Pfizer: 0,004%; Sinopharm: 0,004%; Sputnik V: 0%; Janssen: 0%.
Ngoài ra, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh viêm mãn tính (CID) và đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch vẫn phát triển kháng thể sau khi tiêm vaccine, theo một nghiên cứu vừa được Trường Y khoa Washington (Mỹ) ở St.Louis công bố.
Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), họp tại Italy với thông điệp chính “xây dựng trở lại tốt hơn”, tăng cường hợp tác, đoàn kết và bình đẳng. Hội nghị tập trung thảo luận tác động của đại dịch Covid-19 đến các mục tiêu phát triển bền vững, từ đó đưa ra hướng dẫn cụ thể cho những thay đổi này. |