Cụ thể, năm 2023, cơ quan chức năng đã thi hành xong 2.264 việc về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Về tiền, cơ quan THADS đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng, tăng 4.415 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tổng cộng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan THADS đã thi hành xong hơn 1,6 triệu việc, với trên 211.073 tỷ đồng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hơn 6.856 việc, với hơn 40.488 tỷ đồng. Một số địa phương đạt kết quả THADS cao về việc và tiền là TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An...
Trong khi đó, việc thi hành án hành chính vẫn ì ạch. Năm 2023, các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành 1.375 bản án, quyết định nhưng mới thi hành xong chưa tới 1/2 (582 bản án, quyết định). Nhìn chung, số việc thi hành án hành chính chưa xong, chuyển kỳ sau vẫn còn lớn và tiếp tục có xu hướng tăng. Một số địa phương còn nhiều án chưa thi hành xong là TPHCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương, Phú Yên...
Vẫn theo nhận định của Bộ Tư pháp, còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính Nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước trước tòa án. Một số chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong việc chấp hành bản án hành chính; chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý; còn có trường hợp không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết đối với kiến nghị về thi hành án của các cơ quan có thẩm quyền…
Năm 2024 và đến hết nhiệm kỳ là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng quyết định hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Chính vì thế, trong nhiều mảng công tác của ngành tư pháp, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng là tập trung tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về THADS; đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập có liên quan trong các quy định để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn, thi hành, các quy định về quản lý, xử lý vật chứng, tài sản, giám định tư pháp, định giá tài sản… Cùng với đó là tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, tập trung tại các địa phương có số lượng vụ việc khiếu kiện, thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài nhằm phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xem xét xử lý theo quy định.