Thách thức trong sản xuất chương trình phát thanh giải trí trên nền tảng số

Trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV – 2022, ngày 5-8, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM - VOH tổ chức hội thảo “Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến” nhằm tìm ra cách thức, giải pháp để phát thanh luôn phát triển và  trở thành sự lựa chọn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. 

Thách thức trong sản xuất chương trình phát thanh giải trí trên nền tảng số ảnh 1 Hội thảo “Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến”
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của đại diện các đài PT-TH khu vực phía Nam, đại diện các đơn vị nền tảng số hiện đang hoạt động tại Việt Nam như TikTok, Believe (nhà phân phối kỹ thuật số độc lập và cung cấp dịch vụ hàng đầu cho các nghệ sĩ và hãng đĩa trên toàn thế giới), Soundio…

Với sự bùng nổ của công nghệ, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nhận định, với đặc trưng nhanh, rộng và phạm vi tương tác đa chiều, không phân biệt không gian và thời gian, các nền tảng trực tuyến thực sự đang là một “gã khổng lồ” có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới đời sống báo chí, truyền thông ở tất cả các quốc gia. Vì vậy, các ưu thế của phát thanh giờ đây không còn là độc quyền trước sự lên ngôi và có phần lấn lướt của các nền tảng công nghệ số.

Thách thức trong sản xuất chương trình phát thanh giải trí trên nền tảng số ảnh 2 Ông Đỗ Hoàng Anh đại diện đơn vị Soundio chia sẻ tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM - VOH chia sẻ về vị thế, thành quả mà VOH hiện có trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến, đặc biệt là việc nắm bắt tầm quan trọng của hệ sinh thái trực tuyến.
Theo ông Quốc Bình, ngoài việc đưa thông tin, phát thanh có ưu thế riêng và có sức mạnh rất lớn khi tham gia vào việc xử lý các khủng hoảng, đặc biệt là các tình huống khẩn cấp như thiên tai dịch bệnh. Lúc này, radio vừa là phương tiện giải trí vừa là nơi để gửi gắm niềm tin, nương tựa cảm xúc, tiếp thêm sức mạnh, động lực sống cho người nghe. Có thể lấy 2 minh chứng cụ thể nhất là trận bão lũ năm 2020 tại miền Trung hay đại dịch Covid-19 vừa qua. Đó là khi thính giả chọn tin tưởng cùng VOH thực hiện đêm nhạc “Việt Nam tử tế - Cơn lũ đi qua, tình người ở lại” quyên góp được hơn 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung chỉ trong 2 giờ. Trong bối cảnh đang căng mình chống dịch, người dân đã tin tưởng chọn nghe radio VOH để giải trí, để tâm tình, để đồng cảm. Hàng trăm triệu lượt nghe/xem các bản tin của VOH cùng hàng trăm ngàn lượt tin nhắn, bình luận trong suốt đại dịch là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị niềm tin của thính giả cho ngành phát thanh.
Thách thức trong sản xuất chương trình phát thanh giải trí trên nền tảng số ảnh 3 Các khách mời chia sẻ tại hội thảo
Câu chuyện phát hành podcast (tệp âm thanh), cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Quốc gia – Đài Tiếng nói Việt Nam đề cập: “Một trong các lợi thế quan trọng nhất để các đài phát thanh có thể cạnh tranh tốt trên thị trường podcast là nguồn nhân lực. Các đài phát thanh, dù ở trung ương hay địa phương có sẵn nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành phát thanh, có kinh nghiệm thực chiến trong môi trường sản xuất nội dung dưới định dạng âm thanh, sẽ không gặp quá nhiều bỡ ngỡ khi xây dựng, tổ chức sản xuất các sản phẩm âm thanh. Đây là điều mà các toà soạn báo khác, các nhà sản xuất nội dung độc lập gặp khá nhiều rào cản khi tổ chức sản xuất”.

Bên cạnh đó, các vấn đề về công nghệ, công thức thu hút công chúng, chuyện bản quyền... cũng được các đại biểu quan tâm, tham luận và đưa ra giải pháp.

Tin cùng chuyên mục