Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, các chuyên gia y tế cho rằng chương trình hiện còn quá nhiều rào cản.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao là nguyên nhân đứng hàng thứ 9 trong tất cả nguyên nhân tử vong trên toàn thế giới, là nguyên nhân hàng đầu trong tất cả các nguyên nhân tử vong do nhiễm trùng đơn, trên cả HIV/AIDS.
Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, năm 2017 đã có 126.000 người mắc bệnh lao và trên 13.000 người chết vì bệnh lao, đứng thứ 16/30 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
TPHCM nằm trong số các địa phương có số người mắc bệnh lao cao, với số trường hợp được phát hiện hàng năm chiếm khoảng 15% tổng số người bệnh lao cả nước. Trong đó, người dân từ nơi khác đến sinh sống chiếm khoảng 20%. TPHCM cũng là địa phương có số người nhiễm lao đa kháng thuốc cao nhất nước.
Theo TS-BS Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đồng thời là Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao TPHCM, Dự án “Hướng đến Việt Nam không còn bệnh lao (ZTV)” đang được thí điểm tại TPHCM đã giúp tăng cường công tác phát hiện bệnh lao trong cộng đồng.
Các biện pháp hiệu quả của dự án như: lồng ghép mạng lưới xã hội, tầm soát đối với người tiếp xúc người mắc lao, sàng lọc người nguy cơ… Đặc biệt, việc trang bị các thiết bị chẩn đoán, phát hiện hiện đại đã rút ngắn được thời gian chẩn đoán bệnh từ vài ngày xuống chỉ còn vài giờ, phát hiện ngay lao đa kháng thuốc giúp sớm khởi đầu điều trị.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Lân cho biết, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và công tác dự phòng, điều trị bệnh lao còn quá ít. Nhiều cơ sở y tế tư nhân không “mặn mà” tham gia chương trình, thiếu nhân lực để triển khai, giám sát do không được hỗ trợ chi phí.
Dẫn chứng cho đánh giá trên, ông Nguyễn Hữu Lân cho biết hiện toàn thành phố chỉ có 377 cơ sở y tế tư nhân tham gia hợp tác y tế công - tư trong phòng chống lao. Trong số đó, chỉ có 1 phòng khám thực hiện song hành việc chuyển gửi, xét nghiệm và điều trị theo dõi cho bệnh nhân mắc lao; hầu hết các cơ sở y tế tư nhân phối hợp phòng chống lao chỉ dừng lại ở bước chuyển gửi người bệnh nghi mắc lao đến các cơ sở y tế chuyên khoa, việc xét nghiệm, phát hiện bệnh và điều trị theo dõi gần như không có.
Trong khi, trung bình hàng năm tổng số người nghi lao do hệ thống y tế công - tư ngoài chương trình chống lao phát hiện hơn 25.000 người, chiếm 16% - 19% tổng số ca phát hiện lao mới.
Phát hiện sớm để điều trị hiệu quả
Theo kết quả điều tra dịch tễ của Chương trình chống lao quốc gia, tỷ lệ bỏ sót ca bệnh lao trong cộng đồng tại TPHCM đã giảm xuống khoảng 20%, nhưng vẫn còn rất cao ở nhóm người cao tuổi.
Chiến dịch “Chủ động phát hiện, thu dung và quản lý điều trị bệnh nhân lao” tại TPHCM đặt ra các mục tiêu: hơn 60% người được chụp X-quang phổi tầm soát bệnh lao; hơn 90% người có hình ảnh X-quang bất thường nghi lao được làm xét nghiệm Xpert - phương pháp chẩn đoán lao tiên tiến hiện nay; hơn 95% người có chẩn đoán lao được thu dung điều trị; hơn 90% người điều trị lao được quản lý điều trị thành công; hơn 60% người thuộc diện tầm soát lao tiềm ẩn được xét nghiệm và chẩn đoán; hơn 90% người mắc lao tiềm ẩn được thu dung điều trị và hơn 90% người được điều trị lao tiềm ẩn hoàn thành điều trị. |
Bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM, cho rằng việc tầm soát, chẩn đoán và thu dung điều trị lao tiềm ẩn đã được WHO xác định là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định để kết thúc dịch lao. Để tăng cường hiệu quả tầm soát phát hiện bệnh nhân mắc lao, Hội Y tế công cộng TPHCM và Ban quản lý Dự án ZTV tại TPHCM phối hợp với UBND quận, huyện tổ chức chiến dịch “Chủ động phát hiện, thu dung và quản lý điều trị bệnh nhân lao”. Từ nay đến hết tháng 9-2019, chương trình triển khai trước tiên tại các quận 12, Gò Vấp và huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Trường Giang, với sự phát triển của nền y học hiện đại, bệnh lao hiện không còn là bệnh nan y nhưng vẫn đang là vấn đề sức khỏe của toàn cầu. Tiến tới mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh lao vẫn đang cần nhiều nỗ lực của cộng đồng.
Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, vì vậy không nên coi công tác phòng, chống bệnh lao là nhiệm vụ của riêng ngành y tế, mà các cấp, ngành, địa phương cần có sự quan tâm thích đáng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về phòng chống lao cho người dân, không xa lánh, kỳ thị với người mắc bệnh lao.