Thách thức trong điều trị HIV/AIDS

Tính đến hết tháng 10-2019, cả nước có khoảng 215.000 người nhiễm HIV còn sống và trên 103.000 người nhiễm HIV đã tử vong.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, bệnh dịch này có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Đáng báo động, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ đồng giới nam (MSM) đang gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, việc tiếp cận bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người nhiễm HIV vẫn còn khó khăn.

Bác sĩ tư vấn về việc quyền lợi bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV


Gia tăng lây nhiễm qua đường tình dục

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong 10 tháng năm 2019, thành phố phát hiện 2.148 trường hợp nhiễm HIV (ước giảm 330 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018) và có 204 trường hợp tử vong do AIDS. Đến nay, toàn thành phố phát hiện 61.244 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 11.659 trường hợp tử vong do AIDS, còn sống là 49.585 người. Còn tại TP Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết đến nay tất cả các quận huyện trên địa bàn đều có người nhiễm HIV, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống khoảng 22.211 người. Đặc biệt, tính từ đầu năm 2019 tới nay, Hà Nội đã ghi nhận thêm hơn 1.230 trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, giám sát cho thấy, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện trong thời gian qua chủ yếu là nam giới (chiếm hơn 76%). Cùng với đó, đường lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục gia tăng, từ 65,6% năm 2018 lên 71,4% năm 2019. 

Không chỉ TPHCM và Hà Nội, tình trạng lây nhiễm HIV ở nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang có sự thay đổi, biến động giữa các nhóm nguy cơ cao, khiến dịch bệnh này vẫn rất phức tạp. Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ nhiễm ở nhóm quan hệ đồng giới nam ngày càng gia tăng. Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh, nếu trước đây tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam chỉ khoảng 3% - 5%, thì hiện nay lên tới 10% - 15% và dự báo có thể tăng lên 40% vào năm 2025. Các  khảo sát cũng cho thấy, độ tuổi trung bình của người mới nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam là 23 tuổi và phần lớn tập trung tại TPHCM, Bình Dương và Hà Nội. 

Lo ngại phân biệt đối xử

Trước số người nhiễm HIV vẫn ở mức cao, thời gian qua, ngành y tế và các địa phương đã đẩy mạnh nhiều biện pháp can thiệp dự phòng và tăng cường mức độ bao phủ BHYT với khoảng 90% người nhiễm HIV ở Việt Nam đã có BHYT. Đồng thời, có khoảng 41.000 bệnh nhân trong tổng số hơn 140.000 người nhiễm HIV đã bắt đầu nhận thuốc kháng virus ARV từ nguồn BHYT. Tuy nhiên, qua đánh giá của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay việc mở rộng bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên do đa phần bệnh nhân HIV không muốn sử dụng BHYT vì lo ngại bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Đồng thời cũng chưa có cơ chế mua thẻ BHYT cho bệnh nhân ngoại tỉnh không đăng ký thủ tục tạm trú, hay người nhiễm HIV không có bất kỳ giấy tờ tùy thân. 

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội, việc sử dụng và thanh toán tiền thuốc ARV từ nguồn BHYT năm 2019 còn rất thấp, khi số tiền thanh toán mới đạt gần 40% tổng số hợp đồng đã ký. Trong khi đó, việc điều phối thuốc ARV vẫn còn khó khăn dù đang có các nguồn thuốc khác nhau như: nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn ngân sách; nguồn viện trợ và nguồn BHYT. Tuy nhiên, không thể dùng nguồn thuốc BHYT cho các bệnh nhân khác, cũng không thể dùng thuốc từ các nguồn khác cho bệnh nhân đã chuyển sang BHYT. 

Theo bác sĩ Văn Hùng, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM), hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 30% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS có hộ khẩu ở các tỉnh thành khác, khoảng 10% trong số đó có thẻ BHYT nhưng cũng rất khó có giấy chuyển tuyến. Thậm chí, nhiều bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân nên khó khăn khi mua thẻ BHYT. “Đối với các bệnh nhân có hộ khẩu ở tỉnh thành khác, nếu không xin được giấy chuyển tuyến hoặc ngại quay lại phòng khám để xin giấy chuyển tuyến thì nhiều khả năng bị mất dấu, bị kháng thuốc đặc trị HIV/AIDS. Việc khám chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT tại TPHCM hiện chỉ hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân có hộ khẩu và cư trú trên 6 tháng tại TPHCM. Bên cạnh đó, sự kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng, đặc biệt là các cơ sở y tế, sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm, điều trị, khống chế lây nhiễm HIV”, bác sĩ Hùng cho hay. 

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, để thực hiện được các mục tiêu giảm dần và tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 như khuyến cáo của Liên hiệp quốc, đòi hỏi cần phải đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục về phòng chống HIV/AIDS. Trong đó, chú trọng triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV; điều trị cho vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm, đồng giới nam, người chuyển giới ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV. Cùng với đó là đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Đặc biệt, mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị thuốc ARV bền vững để đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được phát hiện và đưa vào điều trị thuốc ARV, phấn đấu năm 2020 sẽ tăng lên 100.000 bệnh nhân dùng thuốc ARV qua BHYT.

Hôm nay, 30-11, tại huyện Bình Chánh, Sở Y tế TPHCM tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019 và Ngày thế giới phòng chống AIDS (1-12), nhằm tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác phòng chống HIV/AIDS, lợi ích xét nghiệm sớm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS…

Tin cùng chuyên mục