Theo tờ The New York Time, dự báo trên được các nhà khoa học thuộc Tổ chức Maplecroft của Anh đưa ra trong bối cảnh cuộc di cư khí hậu toàn cầu đã bắt đầu.
Các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi sẽ đối mặt với những rủi ro lớn nhất do hiện tượng ấm dần lên của Trái đất trong 30 năm tới. Các vùng duyên hải ven biển của Bangladesh được đánh giá là nơi chịu tác động nặng nề nhất. Kế đến là Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới với 1,1 tỷ người.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, từ nay đến năm 2080, 1/5 nhân loại phải bỏ quê quán, sẽ có từ 1 tỷ đến 3 tỷ người bị thiếu nước ngọt để sinh hoạt, từ 200 đến 600 triệu người thiếu ăn. Nạn nhân đầu tiên là dân cư các vùng duyên hải, các vùng đồng bằng. Chỉ riêng tại Đông Nam Á, trước nguy cơ mực nước biển dâng cao thêm ít nhất 0,5m, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) nêu 11 thành phố lớn nằm ven biển hoặc ở các vùng đồng bằng sẽ phải đối phó với lũ lụt và thiên tai. Các thành phố này đều có mật độ dân số cao và phần lớn trong số này như Bangkok, Jakarta hay Singapore lại là những lá phổi kinh tế của châu Á.
Trong khi đó, một công trình nghiên cứu của giới khoa học Bangladesh cho biết, trong một vài thập niên sắp tới, 17% diện tích của Bangladesh - nơi 35 triệu người đang sinh sống - sẽ bị nhấn chìm. Dhaka hiện đã là thành phố đông dân thứ tư trên thế giới (21 triệu dân vào năm 2015) không đủ khả năng để đón nhận thêm hàng trăm ngàn người tị nạn khí hậu từ các tỉnh thành khác đổ về. Bản thân Dhaka là một trong số 11 thành phố bị hiện tượng biến đổi khí hậu đe dọa nặng nhất tại châu Á.
Nhìn sang Trung Quốc, nhiệt độ trung bình tăng thêm từ 1 đến 2oC khiến đất trồng trọt thêm khô cằn, sản xuất nông nghiệp giảm sút. Nông dân phải đổ về thành thị kiếm sống. Các làn sóng di dân từ nông thôn lên thành phố ở Trung Quốc ngày càng lớn vừa buộc chính quyền Bắc Kinh phải xét lại chính sách đô thị hóa. Câu hỏi đặt ra là những quốc gia nào, những vùng đất nào có khả năng đón nhận thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu nạn nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu đó? Về vấn đề này, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi, cho rằng, các nước cần chuẩn bị phương án đối phó với tình trạng sẽ có lượng lớn người dân phải rời bỏ nhà cửa một cách ngoài ý muốn do hậu quả của biến đổi khí hậu. Các yếu tố thời tiết cực đoan có thể được tính là hậu quả biến đổi khí hậu gồm cháy rừng ở Australia, nước biển dâng khiến nhiều hòn đảo bị nhấn chìm, tàn phá mùa màng, gia súc ở vùng Nam châu Phi và gây lũ lụt nhiều nơi trên thế giới.
Vấn đề khó nhất hiện nay là công ước liên quan đến quy chế người tị nạn ký năm 1951 không bao gồm quy định coi biến đổi khí hậu là lý do để rời bỏ quê hương và xin tị nạn tại nước khác nên khi những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng, tính pháp lý của công ước đang trở nên phức tạp hơn. Theo ông Grandi, tình trạng di cư do biến đổi khí hậu sẽ trở thành vấn đề không chỉ giới hạn trong vài quốc gia mà là một thách thức toàn cầu.