Theo ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử, công nghệ 5G được thương mại hóa trên thế giới nhiều năm qua và trở thành xu hướng tất yếu. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó, và Chính phủ lựa chọn năm 2024 để hành động là không đi đầu nhưng cũng không quá muộn.
Trong khi đó, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến (Bộ TT-TT), cho biết, quy định pháp luật hiện đầy đủ để triển khai việc đấu giá 5G, đầu tiên là 5G băng tần trung. Đây là loại băng tần quan trọng giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho công nghệ 4G, vốn cần nhiều băng thông di động.
Mặc dù đã sẵn sàng, nhưng đại diện các nhà mạng lớn ở Việt Nam đều cho biết, số thiết bị hỗ trợ công nghệ 5G trên mạng lưới hiện còn thấp. Theo đó, hiện có khoảng 18% thiết bị của người dùng VNPT có 5G. MobiFone hiện có 16%-17% số lượng thiết bị người dùng trên mạng hỗ trợ 5G. Con số này của mạng Viettel khoảng 17%-20%. Vì vậy, đại diện các nhà mạng đều ưu tiên triển khai 5G ở những khu vực có nhu cầu cao, với tỷ lệ máy điện thoại hỗ trợ 5G cao…
Theo TS Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ TT-TT), triển khai 5G không phải ở công nghệ mà nằm ở bài toán kinh doanh và quản trị hệ thống sao cho hiệu quả. Khó khăn, thách thức khi đưa 5G vào, trước hết là cho các doanh nghiệp; chứ không phải là vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ, cơ chế, kinh tế. Trước hết là phức tạp của đấu giá băng tần, nhất là trong điều kiện hiện nay. Sâu xa hơn là sự chần chừ của các nhà mạng. Bởi đầu tư cho 5G rất lớn, nhưng chưa biết thị trường sẽ chấp nhận thế nào dù cơ hội chung là “rất hay”.
Cùng với đó, giá các dịch vụ viễn thông truyền thống đang đi xuống. Bài toán đầu tư lớn cho một hệ thống mới không dễ dàng thực hiện được ngay; không những ở nguồn đầu tư mà cả cơ chế đầu tư và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư 2-3 năm lỗ là bình thường mới đến điểm hòa vốn rồi có lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp nhà nước chưa dám đầu tư ồ ạt… cũng là thách thức không hề nhỏ.