Theo nhận xét của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH-ĐT), vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 9 tháng tăng tới 33% so với cùng kỳ, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tốc độ giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội của hầu hết các nước trên thế giới đều chậm lại. Vì vậy, để ngăn suy giảm kinh tế, nhiều nước buộc phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ngân sách nhà nước, nhưng chưa có nhiều nước thành công như Việt Nam.
Với trên 40% số vốn đầu tư công chưa giải ngân hết vẫn đang là thách thức trong quý 4-2020. Với bối cảnh hiện nay, cần tập trung giải ngân vốn cho các dự án lớn có ảnh hưởng lan tỏa, tác động đến nhiều địa phương. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương và nhà đầu tư cần tập trung tháo gỡ vướng mắc từng dự án cụ thể, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bàn giao sớm mặt bằng và kiên quyết thu hồi vốn đối với những dự án chậm triển khai để bố trí, phân bổ vốn cho những dự án khác.
Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn bản 1529/TTg-KTTH. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.