Tại lễ phát động cuộc thi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi và kỳ vọng cuộc thi là cơ hội cho các doanh nhân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế xanh đã có sản phẩm khả dụng tham gia, nhằm giải quyết các vấn đề và giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu; hỗ trợ các doanh nghiệp thí điểm triển khai giải pháp tại Việt Nam, quảng bá tới thế giới và kết nối với các nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại lễ phát động cuộc thi |
“TPHCM là trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Cùng với sự phát triển, TPHCM đang đi đầu đánh giá lượng phát thải, tìm kiếm giải pháp cũng như xây dựng kế hoạch nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021 (COP26). Việc thực hiện cam kết sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc thành phố chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu.
Net Zero Challenge hướng tới mục tiêu xác định và hỗ trợ những công nghệ về chống biến đổi khí hậu giai đoạn đầu, có tiềm năng giải quyết các thách thức môi trường ở quy mô lớn. Cuộc thi tập trung vào ba vấn đề chính: Năng lượng tái tạo và trung hòa Carbon; Hệ thống lương thực và nông nghiệp bền vững; Kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải.
Các đội tham gia sẽ có cơ hội nhận được tổng giải thưởng 15 tỷ đồng (630.000 USD) để thí điểm các giải pháp chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đồng thời được tiếp cận các quỹ đầu tư, đối tác doanh nghiệp, người làm chính sách và các liên minh về biến đổi khí hậu, cùng với nhiều ưu đãi và lợi ích khác.
Đại diện Ban tổ chức công bố về cuộc thi |
Thời gian nhận hồ sơ cho cuộc thi từ 21-8 đến 15-10-2023. Ban tổ chức sẽ chọn 9 đội thi xuất sắc nhất để tham gia vòng chung kết vào đầu tháng 12-2023. Để tham gia Thách thức Net Zero Challenge 2023, các đội cần đã phát triển được một sản phẩm thử nghiệm (Minimal Viable Product MVP), có tiềm năng được nhân rộng hoặc thương mại hóa thành công.
Các đội có thể là các công ty khởi nghiệp, đội ngũ nghiên cứu, dự án trực thuộc doanh nghiệp, hoặc tổ chức phi lợi nhuận sẵn sàng cho một dự án thử nghiệm quy mô lớn. Các sản phẩm ở nước ngoài, đã thương mại hóa ở nơi khác nhưng muốn phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược tại Việt Nam cũng có thể nộp đơn.
Với sự hợp tác và đồng hành của Temasek Foundation, quỹ Touchstone Partners đóng vai trò chủ chốt trong việc tìm kiếm, huấn luyện các đội dự thi, đồng thời sẽ hướng dẫn và kết nối các đội thắng cuộc với các đối tác phù hợp, nhằm hỗ trợ triển khai thí điểm thành công trên diện rộng. Bên cạnh các đơn vị tổ chức, ban giám khảo cuộc thi còn bao gồm các tập đoàn, quỹ đầu tư trong khu vực ủng hộ mục tiêu phát triển bền vững.
"Đối với đội ngũ Touchstone Partners, cuộc thi Thách thức Net Zero không chỉ là một cuộc thi, mà còn đóng vai trò một nền tảng kết nối các ý tưởng công nghệ với các đối tác doanh nghiệp thích hợp. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một cộng đồng, hệ thống hỗ trợ lâu dài cho các sáng kiến công nghệ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam," ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc quỹ Touchstone Partners cho hay.
Còn ông Lim Hock Chuan, Giám đốc Chương trình của Quỹ Temasek Foundation, cho biết: “Chúng tôi rất vui khi được chung tay phát triển cuộc thi Net Zero Challenge 2023, góp phần khai thác tiềm năng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, mang đến các giải pháp đột phá cho thị trường này, và đóng góp vào một tương lai xanh hơn cho tất cả mọi người”.
Các đội tham gia Thách thức Net Zero cũng có cơ hội hợp tác trực tiếp với các đối tác doanh nghiệp đầu ngành như Keppel (chuyên về cơ sở hạ tầng bất động sản), Tập đoàn Lộc Trời (với kiến thức về nông nghiệp quy mô lớn) và Công ty Nhựa Duy Tân (với hiểu biết sâu về khoa học vật liệu, tái chế nhựa).