Thách Thức Net Zero 2024 công bố 9 đội chung kết

Tổng giải thưởng trị giá 15 tỷ đồng không quy đổi cổ phần sẽ được trao cho 3 đội. Ngoài ra, Thách Thức Net Zero 2024 còn có hơn 6,5 tỷ đồng giải thưởng đầu tư và tiền mặt từ Touchstone Partners và các đối tác.

Ban tổ chức trao thưởng các đội tham dự Thách Thức Net Zero 2024
Ban tổ chức trao thưởng các đội tham dự Thách Thức Net Zero 2024

Ban tổ chức cuộc thi Thách Thức Net Zero 2024 đã công bố 9 đội vào vòng chung kết, hướng đến việc xây dựng nền tảng mở thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế xanh. Cuộc thi do Touchstone Partners và Temasek Foundation đồng tổ chức, với sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS).

Năm nay, cuộc thi nhận được hơn 500 hồ sơ từ 55 quốc gia trên toàn thế giới. Các công nghệ tham gia cuộc thi đa dạng về công nghệ, có thể kể đến: các giải pháp IOT & AI, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, kỹ thuật sinh học & hóa học.

“Chúng tôi rất bất ngờ với số lượng và sự quan tâm của các đội tham gia và nhà đầu tư, đối tác đến từ trong và ngoài nước. Điều này tiếp động lực để Touchstone tiếp tục phát triển Net Zero Challenge trở thành một nền tảng mở cho kinh tế xanh, làm cầu nối giữa các đối tác trong hệ sinh thái và các start-ups”, bà Ngô Thủy Ngọc Tú, Giám đốc Quỹ đầu tư Touchstone Partners cho biết.

9 đội vào vòng chung kết đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu hết các giải pháp đều ở mức độ sẵn sàng của công nghệ (TRL) 6-7 trở lên (gần với ứng dụng thực tế, sẵn sàng để được triển khai hoặc thương mại hóa), gồm các lĩnh vực sau:

Lĩnh vực 1: Năng lượng tái tạo và Trung hòa CO2:

Blusink (Anh Quốc) - Công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon dưới đáy biển, hiệu quả gấp 4 lần so với so với phương pháp truyền thống, đồng thời góp phần đa dạng hoá hệ sinh thái biển.

CO2L Tech (Canada) - Công nghệ thu hồi và chuyển hóa CO2 thành các hóa chất như axit formic và muối formate, giúp giảm 90% lượng phát thải carbon.

RARE toles (Việt Nam) - Sơn phủ làm mát mái nhà, giúp tiết kiệm tới 30% năng lượng tiêu thụ.

Lĩnh vực 2: Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững

EF Polymer (Ấn Độ) - Chất cải tạo đất làm từ vỏ trái cây giúp tăng 30% năng suất cây trồng và giảm 40% lượng nước tưới.

Luminis Water Technologies (Singapore) - Giải pháp sử dụng lợi khuẩn và vi sinh vật giúp phòng các bệnh trong nuôi trồng thủy sản và tăng năng suất lên 56%.

N&E Innovations (Singapore) - Lớp phủ và bao bì kháng khuẩn có khả năng phân huỷ sinh học, được làm từ phế phẩm thực phẩm tái chế giúp giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%.

Lĩnh vực 3: Kinh tế tuần hoàn và Quản lý rác thải

Bygen (Úc) - Sản xuất than hoạt tính từ chất thải công nghiệp với chi phí sản xuất thấp hơn 60%.

Cruz Foam (Mỹ) - Vật liệu thay thế bao bì xốp nhựa với chi phí cạnh tranh, có khả năng phân hủy sinh học và được làm từ 70% rác thải thực phẩm tái chế.

MYCL (Indonesia) - Vật liệu da làm bằng sợi nấm từ phế phẩm nông nghiệp, thay thế cho da thật trong ngành thời trang và giày dép, với lượng phát thải CO2 thấp hơn 100% so với da thật.

“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy sự góp mặt của các công nghệ mới trong lĩnh vực kinh tế xanh tại Việt Nam và luôn sẵn sàng hỗ trợ những sáng kiến này. Chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để những dự án, công nghệ này được phát triển ở quy mô rộng hơn và góp phần vào mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục