Trước khi bùng phát đợt dịch thứ 4 (ngày 27-4), nhiều chuyên gia nhận định, năm 2021, kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng nhanh trở lại do chúng ta tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn; doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu… Bên cạnh đó, do nền tăng trưởng GDP năm 2020 thấp nên chỉ tiêu năm 2021 có thể đạt được.
Thế nhưng, đợt dịch thứ 4 bùng phát đã mang đến nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu trên. Có đến 30 địa phương ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, trong đó, nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội; hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng lớn.
Chỉ tính từ ngày 27-4 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 chiếm khoảng 60% tổng số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ năm 2020.
Theo Bộ Y tế, đợt dịch lần thứ 4 có diễn biến phức tạp hơn và khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước do xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, ổ dịch trong cùng thời điểm cũng như sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới với khả năng lây nhanh hơn.
Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng thì sức khỏe của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng, bước sang năm thứ hai chống dịch, sức đề kháng của doanh nghiệp đang giảm đi đáng kể và nếu tình hình tiếp tục diễn biến bất lợi, sức khỏe của doanh nghiệp sẽ ngày càng yếu.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đợt dịch lần thứ 4 này còn nguy hiểm hơn những lần trước, khi đánh vào 2 cơ sở của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua, đó là y tế và khu công nghiệp.
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, tình huống hiện nay khẩn cấp hơn rất nhiều và “cần có giải pháp thực thi ngay”, ví dụ như giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí phòng chống dịch. Chính sách như vậy sẽ công bằng hơn cho các doanh nghiệp đang tiếp tục trụ vững trong dịch Covid-19.
Trong một báo cáo đánh giá về các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 và khuyến nghị do Đại học Kinh tế quốc dân, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản công bố gần đây, các chuyên gia khuyến nghị, thời gian tới, Chính phủ nên thực hiện biện pháp huy động nguồn lực tài chính, như: cắt giảm chi thường xuyên tối thiểu 10%, đặc biệt là các chi phí chưa thực sự cần thiết; phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp trong điều kiện hệ thống tài chính dư thừa thanh khoản…
Nguyên tắc cần được giữ vững khi đưa ra chính sách là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bất kể dịch bệnh kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Cùng với đó là giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư cần tiếp tục được cải thiện. Nếu thực hiện tốt thì sau dịch, nền kinh tế mới hồi phục nhanh chóng.
Covid-19 hiện đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn to lớn đối với nền kinh tế. Để ứng phó hiệu quả với dịch và phát triển kinh tế, theo các chuyên gia, trong chính sách tài khóa, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đầu tư công vẫn là bệ đỡ chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, do đó, khi cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Đẩy mạnh chi tiêu đầu tư công phải đi kèm với sự giám sát chặt chẽ để tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực. Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và bố trí sẵn vốn.