Tướng thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, cho biết, những drone có giá vài trăm USD là mối đe dọa chiến thuật mới và đáng lo ngại nhất hiện nay. Sự phát triển nhanh chóng của drone khiến các lực lượng không chính quy, nhóm khủng bố... có thể tấn công vào các mục tiêu quan trọng với chi phí rất thấp. Các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay lực lượng Houthi ở Yemen đã cài thêm thuốc nổ vào những drone này để tấn công các xe bọc thép đắt giá, cơ sở quân sự và công trình hạ tầng quan trọng như nhà máy lọc dầu, cảng biển và sân bay dân sự.
Thứ vũ khí rẻ tiền và đơn giản này có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng không truyền thống với hệ thống tên lửa trị giá nhiều triệu USD. Lầu Năm Góc đang nghiên cứu chế tạo một hệ thống thống nhất vừa có khả năng đưa ra cảnh báo sớm, xác định được nguồn gốc và độ cao của drone, vừa cho phép lựa chọn phương án ứng phó phù hợp. Mối quan ngại ngày càng lớn đối với Mỹ hiện nay là kiểu tấn công “bầy đàn”, tức là hàng chục drone cỡ nhỏ được điều khiển bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, tấn công đồng thời một mục tiêu. Tình hình sẽ càng phức tạp nếu các thiết bị đó có nhiều kích cỡ, tính năng khác nhau, đòi hỏi phải có nhiều loại vũ khí ứng phó khác nhau.
Austin Doctor, chuyên gia nghiên cứu khoa học chính trị và chống khủng bố tại Đại học Nebraska, Mỹ, cho rằng, những tiến bộ trong công nghệ ứng phó với drone sẽ không thể giải quyết được triệt để vấn đề nếu không được điều chỉnh thường xuyên. Khi Lầu Năm Góc và các công ty công nghệ Mỹ nghiên cứu, phát triển những sản phẩm phòng thủ mới thì đối thủ của họ cũng không ngừng nâng cấp công nghệ drone của họ. Vì vậy, cuộc chiến giữa các chính phủ và lực lượng đối đầu sẽ xoay quanh óc sáng tạo và khả năng dự đoán bước đi tiếp theo.