Thách thức mới của doanh nghiệp khi xuất khẩu sang châu Âu

Tại tọa đàm ngày 27-11 quanh chủ đề: “Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức, các chuyên gia cảnh báo, CEAP đang trở thành rào cản mới đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhưng cũng mở ra cơ hội và đây sẽ là xu thế tất yếu.

IMG_5566.jpeg
Sản xuất hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu. Ảnh minh họa

Thách thức mới

Sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã trở thành cú huých lớn, thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 64 tỷ USD, EU hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Những lợi thế về thuế quan từ EVFTA đã mang lại mức tăng trưởng ấn tượng cho nhiều ngành hàng xuất khẩu, từ điện tử, dệt may, giày dép đến nông thủy sản. Tuy nhiên, để giữ vững vị thế này, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức không nhỏ: CEAP của EU.

CEAP - được coi là một phần quan trọng trong Thỏa thuận Xanh châu Âu, không chỉ là chiến lược của EU nhằm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, mà còn đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu.

CEAP nhằm xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn, tập trung vào việc kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu chất thải và thúc đẩy tái sử dụng tài nguyên

- đại diện Bộ Công thương thông tin.

Theo đại diện Bộ Công thương, quy định trọng tâm của CEAP liên quan đến “thiết kế sinh thái và sản phẩm bền vững” đã chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2024.

Trong bối cảnh này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ, nhất là các ngành hàng chủ lực như dệt may, giày dép, nhựa và bao bì.

Đại diện Bộ Công thương cho rằng, CEAP không chỉ là một chiến lược của EU mà còn là xu hướng được nhiều thị trường lớn khác trên thế giới áp dụng.

Với mục tiêu loại bỏ “nền kinh tế tạo rác” và thay thế bằng các mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững, CEAP yêu cầu các sản phẩm phải được thiết kế để tái sử dụng, tái chế hoặc sửa chữa.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi từ khâu thiết kế, sản xuất đến quản lý chất thải.

Những ngành như bao bì, dệt may, công nghệ thông tin, thiết bị điện tử và nông nghiệp nằm trong số các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Những sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn này, chẳng hạn như không có “hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số”, sẽ không thể vượt qua rào cản hải quan tại EU.

Vẫn còn cơ hội

Mặc dù CEAP đặt ra nhiều khó khăn, song các chuyên gia cũng nhìn nhận, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi và nâng cao năng lực cạnh tranh.

TS Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, nhấn mạnh: “Kế hoạch được ban hành như thế là một thách thức rất lớn. Nhưng nếu doanh nghiệp làm tốt, họ sẽ đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, năng lượng và kéo dài vòng đời sản phẩm”.

IMG_5567.jpeg
Cuộc tọa đàm ngày 27-11

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chứng minh khả năng thích ứng.

“Nếu không đạt yêu cầu về xuất xứ, hàng hóa không thể vào EU theo EVFTA để hưởng ưu đãi thuế quan”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, chia sẻ.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng, các quy định của CEAP không chỉ yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà còn tạo cơ hội tiếp cận nhóm khách hàng mới.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), mặc dù chi phí đầu tư ban đầu tăng cao, nhưng về lâu dài, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí vận hành nhờ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tối ưu hóa sản xuất. Đây là xu hướng mà doanh nghiệp phải tăng theo.

Đồng thời, những cải tiến trong sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn có thể mở ra cánh cửa cho các ngành hàng mới.

Các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn CEAP sẽ không chỉ có cơ hội vào EU mà còn tạo uy tín tại các thị trường khác, đặc biệt khi xu hướng tiêu dùng bền vững đang lan rộng trên toàn cầu

- đại diện Bộ Công thương cũng thông tin.

Theo Bộ Công thương, thực tế, nhờ EVFTA, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 34,14 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2023.

EU không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là nguồn đầu tư lớn vào Việt Nam, với khoảng 2.500 dự án có tổng vốn đăng ký gần 28 tỷ USD.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thay đổi. Việc đầu tư vào công nghệ xanh, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý chất thải (ngăn ngừa rác) là yếu tố bắt buộc.

Theo các chuyên gia, một số ngành như nông sản, thủy sản, dệt may và công nghiệp sẽ tiếp tục có triển vọng tăng trưởng nếu đáp ứng được các yêu cầu của CEAP.

Tin cùng chuyên mục