Sẽ thiếu nước nghiêm trọng
Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Nguyễn Vinh Hà cho biết, bên cạnh các cuộc làm việc với các bộ ngành, trong tháng 7-2020, ủy ban đã tổ chức 2 đợt khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố tiêu biểu cho các khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Nam Trung bộ, ĐBSCL và Tây Bắc.
Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, trong khoảng 20-30 năm tới, nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp. Riêng với các tỉnh ĐBSCL, thời gian gần đây, lượng mưa ít, lũ về chậm, mực nước lòng sông thấp nên lượng nước không đủ cho sinh hoạt, sản xuất và tưới cho cây trồng. Đợt hạn năm 2019-2020, mặn vào sâu đến 135km, nồng độ mặn cao đến 18‰, gây thiệt hại trên 1.600 tỷ đồng. Các vấn đề này cần được nghiên cứu khoa học và dựa trên cơ sở quy hoạch tốt hệ thống thủy lợi cho 20-30 năm tới.
Liên quan đến quản lý an toàn hồ, đập, ông Nguyễn Vinh Hà đặc biệt lưu ý đến tình trạng đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30-50 năm, điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế; không được kiểm định trước mùa mưa lũ; không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn.
Thay đổi tư duy quản lý nguồn nước
Nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu đối với khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) trăn trở về việc cho đến nay mới chỉ có 44% dân số nông thôn được tiếp cận nước sạch; đặc biệt ở ĐBSCL, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn nặng nề. Đề cập đến yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc vận hành các hồ đập thủy điện, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị giao trách nhiệm này cho UBND tỉnh (có tham khảo ý kiến các bộ), tránh tình trạng xung đột lợi ích giữa sản xuất điện với yêu cầu chống hạn, chống lũ, tránh để xảy ra “nhân tai” rồi mới lại cứu hộ, cứu nạn…
Nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đặt vấn đề: “Hợp tác quốc tế của chúng ta hiện nay đã đủ mạnh mẽ, tích cực để bảo đảm an ninh nguồn nước chưa?”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Tôi xin nói thẳng là chưa được. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị ngoại giao để được cung cấp đầy đủ thông tin, cũng như được đảm bảo quyền lợi về nguồn nước”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông quốc tế năm 2017, khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành “sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn và không thể đảo ngược” đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL. Dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm tới 97% ở thời điểm năm 2040.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng thừa nhận, hợp tác trong chia sẻ nguồn nước tiếp tục là thách thức to lớn. Hoạt động khai thác nước tại khu vực thượng nguồn sẽ ngày một gia tăng, chia sẻ nguồn nước có thể là vấn đề các nước sử dụng để đàm phán đổi lại các lợi ích. Cần giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với các nguồn nước xuyên biên giới; đẩy mạnh các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước. Tới đây, việc quản lý tài nguyên nước nói riêng và quản lý tài nguyên thiên nhiên nói chung phải nương vào các quy luật tự nhiên, phù hợp với “vòng đời” của nước. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với đại biểu Đinh Duy Vượt về đề nghị nâng tầm nghị quyết này thành nghị quyết của Quốc hội về chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước, chứ không chỉ phục vụ sản xuất.
Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn giám sát, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng về nước, nhất là nước sinh hoạt, hồ chứa cho các vùng thường xuyên bị khô hạn, các dự án biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng đề án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sản xuất để thích ứng với điều kiện tự nhiên ở các vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm mặn; thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác trong chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới. |