Chuyến đi này cũng thể hiện cam kết của ông Macron đối với Liên minh châu Âu (EU) là nước Pháp luôn ủng hộ chủ trương hội nhập cũng như thúc đẩy các sáng kiến nhằm đưa EU phát triển.
Chuyến công du diễn ra trong lúc tân Tổng thống Pháp đang bị sức ép cảnh báo từ Liên minh châu Âu do sự gia tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Pháp. Pháp là thành viên duy nhất trong khu vực eurozone bị thâm hụt ngân sách trên 3%. Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo Pháp sẽ lại vượt “vạch đỏ” vào năm 2018, với mức thâm hụt 3,1% GDP. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker kêu gọi ông Macron cắt giảm chi tiêu công, cho rằng các chính sách chi quá nhiều hiện nay sẽ gây ra việc chi sai. Khoảng 53%-57% GDP của Pháp là dành cho chi tiêu công và điều này không thích hợp trong dài hạn khi nợ tương đối cao. Pháp phải đối mặt với yêu cầu trong việc đưa thâm hụt ngân sách về đúng các quy định khắt khe của EU sau vài lần được phép trì hoãn trong vài năm qua. Những dự báo gần đây cho thấy, nhiều khả năng Pháp sẽ bỏ lỡ các mục tiêu đặt ra cho năm nay. Tổng thống Macron biết rõ nguyên tắc của Liên minh châu Âu. Để tuân thủ nguyên tắc quân bình ngân sách, nước Pháp phải tiến hành nhiều biện pháp cải cách mạnh, nhất là về thị trường lao động và an sinh xã hội, theo yêu cầu của Brussels.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron cam kết giảm mức chi tiêu công 60 tỷ EUR (66 tỷ USD) trong 5 năm tới, một phần thông qua việc cắt giảm 120.000 việc làm trong lĩnh vực công. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các cải cách trên toàn EU và chuyển trọng tâm ra khỏi nguyên tắc tài chính khắt khe. Ông đã cam kết sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ 33,5% xuống 25%, cắt bớt 120.000 việc làm trong lĩnh vực công, đồng thời tăng sự linh hoạt của thị trường lao động giúp doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân công hơn. Đồng thời, ông cũng đã hứa hẹn duy trì phúc lợi lương hưu và mô hình xã hội giống kiểu mềm dẻo an toàn Bắc Âu - một sự kết hợp giữa an ninh kinh tế cao với các ưu đãi dựa vào thị trường. Ông Macron còn muốn đầu tư 50 tỷ EUR (54,7 tỷ USD) trong 5 năm để đầu tư cho dạy nghề, công nghệ xanh, hiện đại hóa hệ thống y tế, nông nghiệp, nền hành chính công và cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Macron sẽ phải thể hiện được mình là một nhà thương thuyết đại tài và có đủ khả năng để đối đầu với các cuộc biểu tình dự báo diễn ra và đủ khả năng đe dọa mọi nỗ lực cải cách nước Pháp.
Bản thân ông Macron từng thừa nhận, những người đã bỏ phiếu cho ông “chủ yếu là những người muốn thay đổi”, nhưng việc thay đổi là không hề dễ dàng. Theo các chuyên gia, cách duy nhất là ông phải giành đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào tháng tới cho đảng của mình để dễ dàng thực thi các chính sách mà ông đã đề ra trong quá trình tranh cử