Trong 5 năm gần đây, khi các nhà đầu tư tên tuổi đầu tư vào các trường đại học tư thì hiệu trưởng là chiếc ghế đắt giá. Để chọn người ngồi vào “ghế nóng” này, nhiều nhà giáo tên tuổi ở các trường đại học công lập là ưu tiên hàng đầu. Sự lựa chọn này có nhiều mục đích, một là để trường có thêm sức hút với người học, hai là có chiến lược bài bản để trường phát triển tốt. Song, nếu hiệu trưởng vì lý do nào đó mà không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư thì dễ dàng bị thay thế.
Hiệu trưởng đại học tư là ai?
Chiếc ghế nóng của hiệu trưởng đại học tư thường được các chủ trường nhắm đến là hiệu trưởng trường đại học công lập đã nghỉ hưu, hoặc những nhà giáo, nhà khoa học có uy tín trong giới học thuật và đương nhiên học hàm phải từ tiến sĩ trở lên.
Theo một vị giáo sư của Đại học Quốc gia TPHCM, hiện nay ở Việt Nam, đại học tư đang tồn tại 3 mô hình hiệu trưởng.
Thứ nhất là theo kiểu gia đình: nhà đầu tư đủ điều kiện theo luật định, tự mình làm hiệu trưởng, rồi sau đó tiếp tục xây dựng cho con mình điều kiện kế tục sự nghiệp theo kiểu “cha truyền con nối”.
“Nhiều đại học tư đang đi theo con đường thứ nhất này như Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Bình Dương... Tôi tin rằng, kiểu lựa chọn như thế còn kéo dài, bởi nó không vi phạm các quy định hiện hành”, vị giáo sư này nói.
Thứ hai, nhà đầu tư tìm nhân sự là hiệu trưởng các trường công lập vừa nghỉ hưu để mời về làm hiệu trưởng. Mô hình này khá phổ biến hiện nay và theo quan điểm nhà đầu tư, điều này vừa bảo đảm được tiêu chuẩn cứng theo luật định, vừa có vị trí, uy tín trong giới cùng kinh nghiệm và năng lực quản lý. Thứ ba, nhà đầu tư vừa tuyển dụng những hiệu trưởng về hưu một thời gian, vừa đầu tư xây dựng một số nhân lực trẻ để có quy hoạch thay thế dần.
Theo một chuyên gia cố vấn của một trường đại học tư tại TPHCM, dễ thấy rằng mục tiêu của nhà đầu tư thế nào, sẽ quyết định con người hiệu trưởng được chọn. Mọi nhà đầu tư đều quan tâm đến lợi nhuận, nhưng khác nhau ở tầm nhìn. Nếu người nhìn xa về lợi nhuận sẽ ủng hộ hiệu trưởng có cái nhìn dài hạn, chiến lược bài bản... để xây dựng đại học của mình trở thành danh tiếng, ổn định, bền vững. Nhà đầu tư và hiệu trưởng như thế tất yếu sẽ quan tâm đến nhân lực trên hết, chăm chút cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện và chú trọng khoa học - công nghệ.
Hiệu trưởng nào làm không tốt những đòi hỏi này, nhà đầu tư sẽ tìm cách, hoặc tìm người khác. Ngược lại, nhà đầu tư có cái nhìn ngắn hạn, chỉ chăm chú về lợi nhuận, thì thường quan tâm đến việc làm sao tuyển sinh cho tốt, mở thêm nhiều cơ sở, mua thêm nhiều trường để mở rộng thị trường và bất động sản, bất kể điểm đầu vào thế nào, cơ sở vật chất chỉ ở điều kiện vừa phải, không quan tâm lắm đến việc phát triển và tính kế thừa của đội ngũ lẫn khoa học công nghệ, hay chuyển giao… thì chỉ làm cho có.
Cho dù hiệu trưởng là ai và theo mô hình nào cũng không quan trọng, cái chính vẫn là phải đi theo hướng mà nhà đầu tư quyết định.
Thay hiệu trưởng như “thay áo”
Vài năm gần đây, hiệu trưởng các trường đại học tư liên tục thay đổi. Đây là hiện tượng hiếm thấy kể từ khi mô hình đại học này hình thành suốt 32 năm qua (từ năm 1989).
Ngay sau khi được bổ nhiệm quyền hiệu trưởng từ tháng 3-2021, ngày 12-7-2021, Hội đồng trường của Trường Đại học Hoa Sen có quyết định bổ nhiệm PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy (37 tuổi), nguyên Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, giữ chức vụ Hiệu trưởng từ ngày 1-8-2021, thay cho Hiệu trưởng tiền nhiệm là Viện sĩ - PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TPHCM).
Với việc bổ nhiệm quyền hiệu trưởng mới, Trường Đại học Hoa Sen trở thành một trong những trường có số lần thay hiệu trưởng kỷ lục (5 lần) chỉ trong vòng 5 năm. Cụ thể, năm 2014, sau những vụ lùm xùm kéo dài và dắt nhau ra tòa, TS Bùi Trân Phượng thôi làm hiệu trưởng, TS Lưu Tiến Hiệp được UBND TPHCM công nhận hiệu trưởng vào ngày 17-1-2017. Tháng 7-2018, PGS-TS Trần Đan Thư, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Nửa cuối năm 2018, Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua lại toàn bộ cổ phần và tổ chức lại hoạt động của Trường Đại học Hoa Sen. Đến tháng 12-2018, GS-TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Đến tháng 3-2020, bà Quỳ thôi chức, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường này.
Tháng 9-2014, giới giáo dục đại học trong nước xôn xao trước sự kiện TS Đàm Quang Minh mới 35 tuổi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học FPT. Thời điểm ấy, một người trẻ dưới 45 tuổi làm hiệu trưởng trường đại học chưa từng có tiền lệ. Nhưng chỉ 2 năm sau, TS Đàm Quang Minh rời trường.
Khi Trường Đại học Thành Tây được Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ mua lại và thay đổi hiệu trưởng, vị hiệu trưởng mới lúc này chính là TS Đàm Quang Minh. Nhưng cũng chỉ một năm sau, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ thoái vốn khỏi Trường Đại học Thành Tây nên TS Đàm Quang Minh cũng thôi chức hiệu trưởng nhà trường để vào Huế làm Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân, nơi vừa được tổ chức giáo dục này mua lại. Cuối tháng 11-2020, vị tiến sĩ này cũng công bố rời chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân.
Còn với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, khi trở thành nhà đầu tư chính của trường này, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã mời PGS-TS Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM về làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015-2020. Chưa hết nhiệm kỳ, ông Cần chuyển sang đảm nhiệm vai trò mới là Phó Tổng giám đốc phụ trách khối đại học của tập đoàn này và kế vị là PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) từ tháng 10-2018. Đến tháng 4-2021, PGS-TS Hồ Thanh Phong rời chiếc ghế hiệu trưởng. Một trường khác thuộc tập đoàn là Trường Đại học Gia Định cũng vừa đổi hiệu trưởng từ TS Hà Hữu Phúc (trước đó, ông Phúc là Giám đốc Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM) bằng PGS-TS Võ Trí Hảo.
Trường Đại học Hùng Vương TPHCM cũng trải qua những cuộc thay đổi tương tự. Được UBND TPHCM công nhận chức vụ hiệu trưởng nhiệm kỳ 2016-2021, nhưng chỉ đến năm 2018, TS Tạ Thị Kiều An đã xin từ nhiệm. Người thay thế là PGS-TS Đỗ Văn Xê, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. Bất ngờ là vào tháng 11-2020, PGS-TS Đỗ Văn Xê thôi chức hiệu trưởng và thay thế là TS Nguyễn Kim Quang, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM)…
Tuy không công khai, nhưng người trong giới cho biết, mức lương hiệu trưởng đại học tư được thỏa thuận dựa vào các tiêu chí như danh tiếng và quan trọng nhất là trách nhiệm về định mức tuyển sinh, phát triển quy mô sinh viên qua từng năm… Nhìn chung, mức lương của các hiệu trưởng đại học tư hiện nay dao động khoảng 80-200 triệu đồng/tháng. Một vài trường tư lớn, quy mô từ 10.000 sinh viên trở lên, ít nhất cũng ở mức lương 300 triệu đồng/tháng. Dĩ nhiên, theo cơ chế thị trường, mức lương càng cao thì áp lực với hiệu trưởng lại càng lớn. Hiện nay, các trường thường dựa trên căn cứ cụ thể để trả lương cho hiệu trưởng, định mức về số lượng sinh viên tuyển hàng năm là tiêu chí sống còn. Nếu không đạt được cam kết chỉ tiêu đề ra thì hiệu trưởng thường bị cắt giảm lương, thưởng, thậm chí có thể sau mùa tuyển sinh sẽ bị thay. |