Thách thức hàng dệt may xuất khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành hàng dệt may có kết quả xuất khẩu tăng trưởng cao với tổng kim ngạch đạt 14,58 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016.
May xuất khẩu tại một doanh nghiệp
May xuất khẩu tại một doanh nghiệp
Tuy nhiên, dự kiến thời gian từ nay đến cuối năm, ngành hàng này sẽ đối diện nhiều khó khăn do cầu giảm và sức ép giảm giá.

Tăng trưởng trong khó khăn


Theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may 6 tháng đầu năm nay đạt 14,58 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2016. Trong đó, đóng góp cho sự tăng trưởng cao chủ yếu nhờ xuất khẩu xơ, sợi đạt 1,69 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 11,84 tỷ USD, tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm 2016. Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường đánh giá: “Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành dệt may trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn và tình hình dệt may thế giới không khả quan bởi các quốc gia nhập khẩu dệt may chính gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản… đều có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dệt may thấp hoặc suy giảm mạnh”. Đơn cử, nhập khẩu của thị trường Mỹ giảm nhẹ gần 1%, nhập khẩu của EU giảm hơn 2%, nhập khẩu của Nhật Bản giảm 0,6%. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường lớn đều tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 6 tỷ USD, tăng gần 9%; xuất khẩu đi EU ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12%; xuất khẩu đi Hàn Quốc ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 18%.

Nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, thì Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất. Cụ thể, theo Bản đồ thông tin thương mại (Trade Map) trong 6 tháng đầu năm 2017, so với cùng kỳ, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm hơn 5%, Bangladesh giảm 3,5%, Indonesia giảm 5%, riêng Ấn Độ tăng 5%. “Tuy tăng trưởng dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 khả quan nhưng chưa bền vững. Nguyên nhân do ảnh hưởng tiêu cực từ đường lối bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump và từ việc điều chỉnh tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, khả năng các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam sẽ phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu như đã làm trong năm 2016 ngày càng hiện hữu”, ông Lê Tiến Trường phân tích. Với tình hình như hiện nay, dự báo xuất khẩu dệt may 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều đột biến so với đầu năm. Dự kiến cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 31,3 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2016. Một trong những khó khăn đối với ngành dệt may hiện nay là do thách thức từ bên ngoài. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng, từ nay đến cuối năm 2017, ngành dệt may xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các thị trường chủ lực của xuất khẩu dệt may là Mỹ, EU và Nhật Bản tiêu thụ chậm, nhà nhập khẩu gây sức ép hạ giá với nhà cung cấp. Chưa kể, doanh nghiệp xuất khẩu còn đối mặt với tình trạng bất ổn về lượng đơn hàng; phải cân đối chi phí đầu vào để giảm giá cho nhà nhập khẩu, vì xu hướng hạ giá chắc chắn chưa dừng lại.

Tập trung nâng cao năng lực

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho rằng, để hạn chế những khó khăn trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục củng cố và khai thác vị thế là nước có thị phần lớn tại Mỹ, EU và Nhật Bản nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng. Tuy Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng mức tăng trưởng 8% - 9% và có thêm 800 triệu USD xuất khẩu tại thị trường Mỹ năm 2017 là khả thi. Ngoài ra, dệt may Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt tại EU, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu thuận lợi trong thời gian tới là khối các thị trường thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt là thị trường Nga đã tăng hơn 100% trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở mức 18%, tiếp tục là địa bàn lớn cho các doanh nghiệp khai thác triệt để đơn hàng với thuận lợi là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh mở rộng thị trường mới tại các quốc gia Đông Âu...

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp cần đầu tư hiệu quả, tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao năng lực hiện có của chuỗi cung ứng hoàn tất sợi - dệt - nhuộm - may. Trong đó, khẩn trương triển khai các giải pháp chính như: Tăng cường xuất khẩu sợi ở mức tối đa, với hơn 90% sản lượng dành cho xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Tăng giá trị sợi bằng cách chuyển dịch sản xuất sản phẩm sợi có phẩm cấp cao hơn. Với ngành hàng vải, cần thay đổi cách làm liên kết, chia nhỏ nhóm liên kết để có thể sử dụng sản phẩm của nhau hiệu quả, gián tiếp tăng kim ngạch xuất khẩu qua khâu may khi sử dụng vải nội địa. Với ngành may, cần giải quyết rốt ráo vấn đề biến động lao động bằng giải pháp sử dụng công nghệ tự động hóa, tránh phụ thuộc quá lớn vào người lao động. Ngoài ra, về chính sách vĩ mô, Nhà nước tiếp tục có những tính toán, cân đối phù hợp giữa tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam với đồng tiền của các quốc gia để không bị yếu thế trong xuất khẩu. Có chính sách hỗ trợ về tài chính với lãi suất phù hợp; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ và điều chỉnh những khoản phí, lệ phí để phù hợp với thực tế; nâng cấp cơ sở hạ tầng, thời gian thông quan nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục