Sau 26 năm, số lượng hộ nghèo vẫn… gần như cũ
Trở lại những ngày đầu TPHCM thực hiện chương trình giảm nghèo. Năm 1992, lúc đó, toàn TP có 121.722 hộ nghèo (chiếm 17% tổng hộ dân TPHCM). Cuối giai đoạn này - giai đoạn 1 (cuối năm 2003), TP còn hơn 1.600 hộ nghèo. Sang giai đoạn 2, từ năm 2004, TP lại có hơn 89.000 hộ nghèo. Giai đoạn 3, từ năm 2008, quy mô hộ nghèo TP lên tới hơn 152.300 hộ. Giai đoạn 4, từ năm 2014, TP có 132.600 hộ nghèo, cận nghèo. Giai đoạn 5, từ năm 2016, TP khảo sát, đưa vào danh sách hơn 115.000 hộ nghèo, cận nghèo (gần 5,8% tổng hộ dân TP).
Hiện nay, TP chuẩn bị kết thúc giảm nghèo giai đoạn 5, với số lượng hộ nghèo chỉ còn khoảng 5.000 hộ. Song, bước sang giai đoạn 6 (2019-2020), TP dự kiến lại có tới… 100.000 hộ nghèo, cận nghèo (5%). Như vậy, trải dài trong hàng chục năm qua, quy mô hộ nghèo, cận nghèo của TP gần như không thay đổi nhiều, thường dao động trong khoảng 100.000 - 150.000 hộ.
Điều đó cho thấy tốc độ tăng thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo không nhanh, thiếu tính bền vững. Thu nhập của người nghèo tăng so với chính họ, song vẫn quá chậm, thậm chí bị bỏ quá xa so với các nhóm khác trong xã hội (cấu trúc xã hội về mức sống được chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm 20%).
Cơ hội dịch chuyển, bứt phá của người nghèo, hộ nghèo - những người ở phần “đáy” trong cấu trúc xã hội - lên các nhóm có mức sống cao hơn là không hề dễ dàng. Cứ mỗi khi TP xác lập chuẩn nghèo mới tương ứng với thực trạng đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội của TP, thì đa số người nghèo vừa thoát nghèo giai đoạn trước, lập tức quay trở lại là diện nghèo trong chặng đường giảm nghèo kế tiếp. Một khi điều này trở thành quy luật, thì không biết đến bao giờ, đa số hộ nghèo, cận nghèo mới thực sự không tiếp tục vòng luẩn quẩn: thoát nghèo - tái nghèo - thoát nghèo - tái nghèo…
Khoảng cách giàu nghèo nới rộng
Một trong những thành công nhất của công tác giảm nghèo ở TPHCM là thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa nhóm dân cư có thu nhập cao nhất và nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất của TP, từ hơn 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014. Song, khoảng cách này đang có dấu hiệu rộng ra. Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), cho hay khoảng cách thu nhập tiếp tục gia tăng, năm 2013 là 6,5 lần; 2014 là 6,6 lần và 2015 đã là 7,37 lần.
Đặc biệt, trên thực tế, sự chênh lệch còn lớn hơn, bởi khi nghiên cứu, đa số tầng lớp có thu nhập cao không hợp tác, từ chối trả lời về các khoản thu. “Hiện nay chúng ta chỉ mới có thể nhìn vào thu nhập chính thì… không khác biệt nhiều giữa các tầng lớp nhân dân. Đúng ra tổng thu nhập thực tế sẽ rất khác biệt. Nói cách nào đó, chênh lệch giàu - nghèo như chúng ta đo đếm được, không chính xác lắm; thực tế có thể là một khoảng cách tương đối lớn nhưng không có con số nào nói được chính xác, đo đếm hết được”, ông Thành chia sẻ.
Sở hữu nhà ở của các nhóm dân cư có sự phân hóa rõ nét ở góc độ tích lũy tài sản. Thạc sĩ Lê Văn Thành cho biết, nhóm giàu nhất ở TPHCM có diện tích nhà ở bình quân cao gần gấp đôi nhóm nghèo nhất. Có 49% người ở nhóm giàu có nhà, đất nơi khác, trong khi tỷ lệ này ở nhóm nghèo là 8%.
Ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7, TPHCM, cũng chỉ ra sự khác biệt trong việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở khi nơi miễn giấy phép, nơi chờ 15 ngày mới có kết quả. Những người có điều kiện ở trong các khu đô thị mới, dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 được miễn giấy phép xây dựng. Người dân muốn xây nhà ở, biệt thự là xây ngay được. Còn những khu dân cư hiện hữu, người dân phải có đơn đề nghị cấp phép xây dựng, sao y giấy tờ quyền sử dụng đất, bản vẽ thiết kế xin cấp phép xây dựng nhà ở… nộp, đợi 15 ngày theo quy định thì mới biết được nhà mình được xây 1 trệt mấy lầu, lùi trước lùi sau bao nhiêu. Theo ông Lê Hòa Bình, đây chính là khác biệt và người dân cảm thấy phân biệt.