Thách thức “đói giáp hạt, khát giao mùa”

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐTB-XH và Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ hỗ trợ gần 558 tấn gạo cho hơn 37.000 người dân thuộc diện hoàn cảnh khó khăn trong dịp giáp hạt đầu năm 2024 của huyện An Phú và Tri Tôn.

Dư luận không khỏi lo lắng khi vựa lúa miền Tây - túi nước ngọt Cửu Long lại rơi vào cảnh “đói giáp hạt, khát giao mùa”.

Hơn nữa, ngay cả An Giang được xem là có “vai vế” trong sản xuất lúa của miền Tây mà phải xin hỗ trợ gạo, lại càng khiến nhiều người băn khoăn. Cụ thể, sản lượng lúa ở An Giang (cùng với Kiên Giang) đang dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Năm 2023, sản lượng lúa của An Giang đạt gần 4,1 triệu tấn (tăng hơn 152.000 tấn so cùng kỳ). Đây cũng là địa phương có nhiều doanh nghiệp lớn sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo UBND tỉnh An Giang, nhu cầu hỗ trợ gạo cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang dịp giáp hạt đầu năm 2024 như sau: tổng số người cần hỗ trợ là 37.184 người, trong đó đối tượng bảo trợ xã hội 1.349 người; người thuộc hộ nghèo 11.236 người; người thuộc hộ cận nghèo 12.826 người; người thuộc hộ khó khăn 11.773 người.

Như vậy, số lượng người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn chiếm phần lớn trong số người cần hỗ trợ. Lý do mà UBND tỉnh An Giang đưa ra trong công văn để xin hỗ trợ gạo là: “Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn; giá cả hàng hóa tăng cao làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn có nguy cơ thiếu lương thực dịp giáp hạt đầu năm 2024”.

Mùa khô năm 2024, ĐBSCL đối diện với hạn - mặn gay gắt, nông dân sản xuất ở các tỉnh ven biển chịu tác động của hạn - mặn như Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang ít nhiều bị thiệt hại. Đây cũng là những địa phương chịu tác động nặng nhất và rõ nhất từ hạn - mặn ở miền Tây, nhưng họ đã chủ động, cố gắng vượt qua.

Sau “đói giáp hạt”, giờ miền Tây lại đối diện với “khát giao mùa”. “Khát giao mùa” chỉ thời điểm nông dân thiếu nước ngọt sinh hoạt vào cuối mùa khô. Nhiều tổ chức, cá nhân đã có hành động thiết thực, chở nước ngọt, hỗ trợ nước đóng bình, đóng chai… kịp thời cho người dân gặp khó khăn. Hơn bao giờ hết, miền Tây đang đối diện với những thách thức nghiêm trọng và dễ bị tổn thương từ biến đổi khí hậu (nước biển dâng), mặn xâm nhập, khô hạn, sạt lở, sụp lún đất.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để ĐBSCL chủ động thích nghi với biến đổi khí hậu, cụ thể là Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây cũng là nghị quyết “thuận thiên” để chính quyền và người dân chủ động thích nghi với thời tiết ngày càng cực đoan, chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất thích hợp để “tích cốc phòng cơ”. Vấn đề còn lại là hành động quyết liệt bằng những giải pháp căn cơ, bền vững của chính mỗi người dân, mỗi địa phương để không còn “đói giáp hạt, khát giao mùa”!

Tin cùng chuyên mục