Thách thức chuyển đổi số - chuyển đổi xanh

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh, đi cùng nhau và hỗ trợ nhau. Hai chuyển đổi này sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.

Quang cảnh diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024
Quang cảnh diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024

Tại diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Chuyển đổi số (CĐS) và chuyển đổi xanh (CĐX) là 2 chuyển đổi quan trọng bậc nhất của nửa đầu thế kỷ 21. CĐS và CĐX là một cặp song sinh, đi cùng nhau và hỗ trợ nhau. Hai chuyển đổi này sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam đã xác định CĐS và CĐX là lựa chọn chiến lược. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, CĐS và CĐX là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 10%, trong khi kinh tế số đóng góp 12% GDP. Đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 20%. Như vậy, CĐS và CĐX đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP từ 2 đến 4 lần trong thời gian qua.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho rằng, CĐS và CĐX vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Để khai thác tiềm năng CĐS, CĐX, tạo ra phát triển kép về kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam nên tiên phong phát triển các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, công nghệ số, xe điện thông minh, công nghệ xanh... Cần có sự quyết liệt trong việc tập trung đầu tư nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng khẳng định: CĐS và CĐX cùng phát triển kinh tế số hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thế giới chứ không riêng tại Việt Nam. Đó cũng là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để đi đến một tương lai Việt Nam tươi sáng.

Quan trọng vậy, nhưng hầu hết các lãnh đạo và chuyên gia đều cho rằng, tại Việt Nam hiện nay, không phải ai cũng quan tâm CĐS và CĐX. Cùng với đó, cơ chế, chính sách, thể chế chưa thực sự tạo ra một “đường băng” để mọi người “cất cánh”, cùng hưởng ứng trong công cuộc CĐS và CĐX. Hạ tầng số, các nền tảng công nghệ cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã có sự phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn lực đầu tư cho CĐS và CĐX chưa thực sự được ưu tiên và chưa được ứng xử như là một lĩnh vực tiên phong.

Như vậy, để đạt được những mục tiêu mà chiến lược quốc gia đã đặt ra, phải có sự nhìn nhận đúng mức, đúng tầm về CĐS, CĐX và dành sự ưu tiên cho lĩnh vực này. Cùng với đó, cần chú trọng đầu tư hạ tầng số, nhất là trong khu vực có nhu cầu và có sự ảnh hưởng phát triển. Dĩ nhiên phải theo thứ tự ưu tiên, vì đất nước chưa đủ tiền để làm tất cả cùng lúc. Đồng thời, nỗ lực đào tạo nhân lực chất lượng cao, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp cùng đào tạo, cùng sử dụng để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp với tinh thần chấp nhận rủi ro và mạo hiểm.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, quan trọng nhất, chúng ta phải cố gắng từng bước “đứng trên vai những người khổng lồ”. Tức là khai thác, tận dụng tốt những thành tựu của thế giới, thông qua hợp tác quốc tế, qua thu hút những dự án tốt, trong quá trình thực hiện CĐS, CĐX, nhất là về bài toán công nghệ và kinh tế.

Tin cùng chuyên mục