Thách thức cho thanh toán không dùng tiền mặt ở Nhật Bản

Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt đang được nhân rộng, Nhật Bản vẫn tụt hậu so với các nền kinh tế lớn khác trong việc áp dụng công nghệ này, trong bối cảnh dân số già hóa vẫn chủ yếu thích giao dịch bằng tiền mặt.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tổng số tiền thanh toán không dùng tiền mặt tại quốc gia Đông Á này đạt 126.700 tỷ yen (885 tỷ USD) vào năm 2023, tương đương mức kỷ lục 39,3% tổng mức tiêu dùng của họ. Tokyo đang đặt mục tiêu đạt 40% vào năm 2025.

Tuy nhiên, tỷ lệ không dùng tiền mặt ở xứ Phù Tang vẫn còn kém hơn nhiều so với các quốc gia khác. Theo Hiệp hội Thanh toán Nhật Bản, năm 2021, tỷ lệ trên ở Hàn Quốc đạt 95,3%, Trung Quốc là 83,8%, Australia là 72,8%, Anh là 65,1%, trong khi Mỹ ghi nhận tỷ lệ 53,2%. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, việc xã hội Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng, cũng như sở thích dùng tiền mặt “ăn sâu bám rễ” có thể là nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng tương đối chậm công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt.

vi.jpg
Ví kỹ thuật số EXPO 2025

Theo phương thức thanh toán, thẻ tín dụng là lựa chọn được ưa chuộng nhất ở Nhật Bản, chiếm 83,5% tổng số giao dịch; tiếp theo là mã QR với 8,6%, tiền điện tử với 5,1% và thẻ ghi nợ với 2,9%. Thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được sức hút đáng kể trong đại dịch Covid-19 do người tiêu dùng tránh tiếp xúc vật lý và chính phủ đã đưa ra các chương trình điểm thưởng để thúc đẩy điều này. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt từ 26,8% vào thời điểm trước đại dịch năm 2019, đã tăng lên 32,5% vào năm 2021 và lên 36,0% vào năm 2022.

Sự tăng trưởng này một phần là do các giải pháp thanh toán bằng mã QR mở rộng nhanh chóng, được thể hiện bằng các dịch vụ như PayPay và Rakuten Pay. Theo bộ trên, ngày càng có nhiều người tiêu dùng áp dụng công nghệ này do tính tiện lợi và an toàn. Chính phủ Nhật Bản cho biết, sẽ đưa tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt lên tới 80% trong tương lai, nhưng không nêu rõ khung thời gian cụ thể. Trong nỗ lực này, chính phủ đã giới thiệu một hệ thống thanh toán kỹ thuật số được thiết kế riêng cho Triển lãm thế giới (EXPO) 2025 tại Osaka.

Việc Nhật Bản mong muốn thúc đẩy tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt không nằm ngoài xu hướng phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo báo cáo mới nhất của Công ty xử lý thanh toán Worldpay, ví điện tử là phương thức thanh toán phát triển nhanh nhất trên thế giới và châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu xu hướng này.

Trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng thẻ cứng và tiền mặt tiếp tục giảm, năm ngoái, 70% thanh toán trực tuyến và 50% thanh toán tại cửa hàng ở châu Á - Thái Bình Dương sử dụng ví điện tử. Tổng chi tiêu sử dụng ví điện tử, bao gồm cả các giao dịch bằng thiết bị quẹt thẻ tại điểm bán hàng (POS) và mua hàng điện tử, chiếm gần 10.000 tỷ USD năm 2023. Dự báo, số lượng giao dịch thương mại điện tử và giao dịch tại cửa hàng ở châu Á - Thái Bình Dương sử dụng phương tiện thanh toán này sẽ tăng lần lượt 77% và 66% vào năm 2027.

Tin cùng chuyên mục